Với quan điểm tiếp cận trong ứng phó với đại dịch COVID-19 không đơn thuần là nhiệm vụ của riêng ngành y tế mà cần giải pháp phối hợp đồng bộ của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau, tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi các quan điểm về kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an ninh sức khỏe; giải pháp nhân lực và hạ tầng; đề xuất một số chính sách để phục hồi kinh tế; giáo dục; chuyển đổi số và hỗ trợ cộng đồng ứng phó với đại dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Áp dụng các giải pháp chống dịch phù hợp từng địa phương
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ: Mô hình dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện nay đang là mô hình của thế giới thu nhỏ. Việt Nam đang có nhóm tỉnh, thành phố không có ca bệnh hoặc số ca bệnh rất thấp như các tỉnh miền núi phía Bắc, một số tỉnh đồng bằng sông Hồng: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… Nhóm tỉnh, thành phố có số mắc duy trì vài chục ca mỗi ngày như Hà Nội, Đà Nẵng, một số tỉnh miền Trung… Nhóm tỉnh có số mắc cao đi đôi với việc có số tử vong nhưng ở mức thấp, hệ thống y tế chưa bị quá tải như các tỉnh khu vực đồng bằng Nam Bộ, một số tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố có số mắc cao, hệ thống y tế quá tải, có số ca tử vong cao như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Trước thực trạng này, nếu như trước đây, mục tiêu của Việt Nam là không có ca COVID-19 trong cộng đồng thì hiện nay chúng ta đưa ra mục tiêu là sống chung với COVID-19. Sống chung nhưng phải an toàn, khống chế số mắc và số tử vong thấp nhất có thể, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội của người dân. Thực hiện mục tiêu "kép" vừa chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phát triển kinh tế, trong đó việc chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân đặt lên hàng đầu.
Theo ông Trần Đắc Phu, việc bảo đảm, giữ vững hệ thống y tế, không để hệ thống y tế quá tải dẫn tới người mắc COVID-19 không được can thiệp y tế một cách kịp thời, không để tử vong, là vô cùng quan trọng. Do vậy, chiến lược “ngăn chặn - phát hiện (truy vết và xét nghiệm) - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả” vẫn là một chiến lược lâu dài. Nhưng khi tình hình dịch thay đổi, chúng ta cần có thay đổi từng giải pháp trong chiến lược sao cho phù hợp thực tế tại mỗi địa phương vì giải quyết dịch bệnh không chỉ là giải pháp y tế, còn nhiều giải pháp xã hội khác.
Ông Trần Đắc Phu cho rằng: Do tỷ lệ vaccine trên phạm vi cả nước còn thấp nên vẫn cần áp dụng giải pháp giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch một cách hợp lý, đồng thời với việc gỡ phong tỏa, nới lỏng giãn cách dựa trên việc kiểm soát dịch bệnh cũng như nhu cầu làm ăn kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của mỗi địa phương. Không áp dụng một cách máy móc, đồng loạt.
Việc tiêm chủng là vấn đề vô cùng quan trọng để thực hiện được chung sống với dịch COVID-19. Tuy vậy, tiêm vaccine phải đạt được miễn dịch cộng đồng ở phạm vi quốc gia. Thực hiện nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em; nghiên cứu tiêm nhắc lại; đồng thời phát triển vaccine trong nước để đảm bảo an ninh vaccine. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực từ đi lại, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị…; thống nhất sử dụng QR code theo căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Cần đánh giá thực trạng dịch bệnh tại mỗi địa phương, năng lực hệ thống y tế, độ bao phủ vaccine, phân ra nhóm nguy cơ để áp dụng các biện pháp chống dịch, cũng như phát triển kinh tế cho phù hợp. Không cào bằng các giải pháp cho tất cả các địa phương vì tình hình dịch bệnh khác nhau, đặc điểm dân cư, kinh tế - xã hội khác nhau.
Tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa
Đề xuất các chính sách kinh tế để giúp Việt Nam ứng phó và phục hồi sau dịch bệnh, các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong ngắn hạn, chính quyền các địa phương cần xác định các “vùng xanh” an toàn để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong các vùng này sớm có thể hoạt động bình thường trở lại, tránh gây đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa.
Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ tạm thời đối với các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng (gồm các doanh nghiệp đóng cửa, các doanh nghiệp tiếp tục tổ chức sản xuất 3 tại chỗ); đánh giá mức độ thiệt hại của các doanh nghiệp để xây dựng các kịch bản chính sách nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động. Các chính sách trong ngắn hạn cần đảm bảo nguyên tắc kịp thời, giảm bớt các thủ tục hành chính, điều chỉnh cơ chế để ứng phó với các diễn biến khó lường từ ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế.
Trong dài hạn, các chính sách tài khóa và tiền tệ phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà, xác định rõ thời kỳ áp dụng để đảm bảo tính linh hoạt; cần tập trung để duy trì hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong giai đoạn bất ổn này, trong đó bao gồm các hỗ trợ tài khoá cho các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tiếp cận để lựa chọn hỗ trợ cho 2 nhóm này sẽ khác nhau.
Đối với doanh nghiệp, các nhóm ưu tiên lựa chọn là nhóm trong các lĩnh vực tạo bệ đỡ kinh tế, có ảnh hưởng lan truyền đến các ngành khác, các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, kế hoạch phục hồi phù hợp và khả thi, cam kết không sa thải người lao động. Cũng cần làm rõ không phải ngành nghề nào cũng khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, một số ngành nghề còn được hưởng lợi thế từ dịch bệnh như thương mại điện tử, công nghệ thông tin. Do đó, cần làm rõ tiêu chí và đối tượng thụ hưởng các chính sách ưu đãi, tránh hiện tượng trục lợi chính sách và rủi ro đạo đức, lợi ích nhóm.
Về các chính sách an sinh xã hội, các chuyên gia cho rằng, dưới tác động của đại dịch COVID-19, bất bình đẳng về thu nhập có xu hướng gia tăng do lao động trẻ và lao động ít kỹ năng bị ảnh hưởng nặng nề hơn, kể cả ở các nước phát triển và các nước đang phát triển. Đối với nhóm này, trong ngắn hạn, các hỗ trợ có thể một phần bằng tiền, còn lại chủ yếu là hỗ trợ phi tiền tệ như mặt hàng thiết yếu, cung cấp các mặt hàng bình ổn giá. Trong dài hạn, cần xây dựng hệ thống quản lý lao động, đặc biệt là lao động tự do, tích hợp vào hệ thống thông tin chung, cơ sở dữ liệu chung là đối tượng yếu thế cần được quan tâm và ưu tiên trong các chính sách an sinh xã hội.
Đảm bảo mọi điều kiện để việc học tập thuận lợi – an toàn
Đối với lĩnh vực giáo dục, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Trong 2 năm qua, ngành giáo dục đã phải đối mặt với những hệ quả nghiêm trọng do đại dịch để lại. Dù ngành giáo dục đã có nhiều điều chỉnh trong thời gian qua, nhưng cũng không thể phủ nhận chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng. Do vậy, để ứng phó với đại dịch, ngành giáo dục cần có những giải pháp phù hợp với bối cảnh thực tế, cũng như với xu thế phát triển của thời đại chuyển đổi số.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh, trước hết cần hoàn thiện các chính sách quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán. Đặc biệt cần khẳng định và thừa nhận chính thức hình thức dạy - học trực tuyến và các kết quả của quá trình dạy - học trực tuyến là hình thức, kết quả của đào tạo chính thống, có sự ổn định, chất lượng, lâu dài.
Hiện nay, tâm lý cho rằng việc dạy và học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, là hình thức bổ sung trong thời gian dịch bệnh diễn ra là tâm lý chung của hầu như mọi thành phần xã hội. Tuy nhiên, cần có góc nhìn cởi mở và thực tế hơn, bởi không chỉ đến khi dịch bệnh diễn ra thì việc chuyển đổi số trong giáo dục mới bắt đầu được triển khai mà đây đã và đang là xu thế phát triển trong xã hội hiện đại.
Vì thế cần có sự định hướng đúng từ những chính sách của Đảng, Nhà nước trong các chính sách để việc triển khai được thuận lợi hơn và những kết quả của quá trình dạy - học trong bối cảnh mới được ghi nhận một cách chính xác và xứng đáng hơn.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo mọi điều kiện để việc học tập của người học được diễn ra thuận lợi, an toàn. Mọi hoạt động dạy - học đều phải đảm bảo nghiêm túc các quy tắc phòng dịch; đảm bảo 100% cán bộ, giáo viên, sinh viên được tiêm vaccine đầy đủ. Việc đảm bảo an toàn cho đội ngũ giảng dạy và người học là yếu tố tiên quyết để “bình thường hóa” hoạt động học tập. Đồng thời, cần có hạ tầng mạng phủ khắp các địa phương và ổn định dù là ở vùng sâu, vùng xa; đảm bảo người học có đủ thiết bị phục vụ việc học tập trực tuyến; có nền tảng dạy học được Việt hóa, dễ dàng và thuận tiện khi sử dụng và phù hợp với đặc thù của từng cấp học.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh cũng cho rằng: Cần tăng cường và phối hợp đa dạng các hình thức giáo dục. Việc dạy học trong giai đoạn dịch bệnh đã và đang được triển khai trực tuyến qua mạng internet hoặc qua sóng truyền hình. Tuy nhiên, cần mở rộng hơn nữa các hình thức dạy học để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của những người học khác nhau như có các chương trình dạy học qua radio; chuyển phát tài liệu học tập đến tận nhà…. Bên cạnh đó, nên khai thác đội ngũ giáo viên hoặc trí thức về hưu quan tâm và muốn tham gia giúp đỡ tại chính cộng đồng họ đang ở, để tạo những nhóm nhỏ học tập cho trẻ nhỏ. Bởi bên cạnh việc tích lũy kiến thức, việc được duy trì giao tiếp xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ.