Theo đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố Cà Mau, đặc biệt là những địa phương ven biển chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra tình hình để báo cáo kịp thời những vụ việc xảy ra.
Ngoài ra, các địa phương, đơn vị chức năng triển khai các biện pháp cần thiết để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai theo kế hoạch, nhất là tình huống xảy ra sóng to, gió lớn tại cửa sông, cửa biển, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, theo dự báo đường đi của bão số 1 là không vào đất liền tỉnh Cà Mau mà đi chệch về phía Nam mũi Cà Mau khoảng 200 km. Tuy nhiên, vùng biển mũi Cà Mau sang đến Vịnh Thái Lan được xác định sẽ bị ảnh hưởng lớn. Đây cũng là nơi có nhiều tàu cá hoạt động đánh bắt thủy hải sản.
Để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan chức năng liên lạc với các tàu đang hoạt động trên biển để cung cấp thông tin về tình hình thời tiết, hướng đi của bão, hướng dẫn tàu cá nhanh chóng di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Bộ đội Biên phòng đã liên lạc, hướng dẫn 671 tàu cá của tỉnh đang hoạt động ở khu vực đảo Thổ Chu (Kiên Giang) kịp thời di chuyển ra khỏi đường đi của bão, tránh trú ở khu vực an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ hướng đi của bão, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống thiên tai.
Ông Hải cho rằng, do sắp kết thúc đợt rét đậm ở phía Bắc nước ta nên luồng không khí lạnh ở phía Bắc tràn về sẽ yếu dần đi. Như vậy, hướng đi của bão có thể thay đổi và cũng không thể loại trừ cơn bão này sẽ đổi hướng đi chệch lên hướng Bắc, bão sẽ tiến gần vào đất liền hơn, mức độ nguy hiểm càng tăng cao. Do vậy, các địa phương trong tỉnh cần theo dõi sát tình hình diễn biến của bão để chỉ đạo ứng phó kịp thời.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, tính đến 6 giờ ngày 3/1, toàn tỉnh có 2.762 tàu cá đã neo đậu tránh trú bão tại bến. Ngoài ra, còn có hơn 4.100 phương tiện khai thác thủy sản ven bờ và tàu công suất dưới 20 CV được bố trí nơi neo đậu tránh bão an toàn.
Hiện nay, 820 tàu cá, 5.737 thuyền viên còn trên biển đang nhanh chóng di chuyển vào bờ để tránh trú bão. Trong đó, khu vực xa bờ có 705 chiếc, với 5.091 thuyền viên hoạt động tại khu vực Đông Nam Hòn Khoai đến Bãi cạn Cà Mau.
Cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau đã liên lạc với các tàu kể trên; đồng thời kêu gọi tàu thuyền trong vùng nguy hiểm nhanh chóng di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho ngư dân.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã duy trì 5 tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển để sẵn sàng ứng cứu khi có nhu cầu. Tỉnh huy động đội tàu cứu hộ cứu nạn gồm 55 chiếc tại các cửa biển Sông Đốc, Rạch Gốc, Cái Đơi Vàm, Khánh Hội để tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Hai tàu Hải quân và Cảnh sát biển đã đến Hòn Chuối để ứng trực, xử lý các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương ven biển vào sáng 3/1, toàn tỉnh chưa ghi nhận về thiệt hại. Tuy nhiên, trên địa bàn có gió cấp 3, cấp 4, trời có mưa nhỏ.