Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 29/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: “Ngay trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng đồng chí thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng ”.
Việc chúc Tết, mừng tuổi (mở hàng, lì xì) cho ông bà, cha mẹ, người cao niên, các cháu nhỏ đầu năm để lấy may (hên) đã là một cử chỉ không thể thiếu trong nghi thức ngày Tết. Đó cũng là thuần phong, mỹ tục của dân tộc ta, một nét văn hóa đặc sắc thể hiện sự kính già, yêu trẻ trong đạo nghĩa dân tộc.
Có được một phong bao đỏ tươi sắc Xuân mừng tuổi, người già cảm thấy ấm áp trong lòng vì được con cháu quan tâm, con trẻ “vui như Tết” vì có tiền để “nuôi” chú heo đất. Giá trị của phong bao mừng tuổi không lớn nhưng ý nghĩa của nó ngày đầu năm là rất đáng để người được mừng tuổi phấn chấn trong lòng với hy vọng một năm mới nhiều điều an lành, tốt đẹp.
Có một điều rất đáng lưu ý là, hầu như phong bao mừng tuổi chỉ dành cho người cao tuổi và con trẻ, những người được kính trọng và thương yêu trong gia đình, cần sự động viên, chăm sóc, chia sẻ; thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ cũng như sự quan tâm chăm sóc của người đang còn sức lao động, là trụ cột gia đình đối với ông bà cha mẹ và con cháu. Người ngoài đến chúc Tết cũng chỉ mừng tuổi cho người già và trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhất là khi nền kinh tế thị trường cùng với cơ chế "xin – cho" phát huy “ma lực”, nét văn hóa trong việc mừng tuổi ngày Tết đã bị biến thái, đánh mất thuần phong mỹ tục. Thay bằng chúc tụng và mừng tuổi đầu Xuân một cách rất văn hóa, nhân văn, việc biếu xén quà Tết đã trở thành một vấn đề xã hội không bình thường giữa cấp dưới với cấp trên trong các cơ quan, đôi khi là một nỗi lo gia tăng của cán bộ, nhân viên về món quà Tết cho cấp trên. Đó là một tục lệ cần phải được chấn chỉnh. Phong bao, phong bì chúc Tết là dành cho người có chức, có quyền, không phải là để mừng tuổi người già và trẻ nhỏ. Phong bao, phong bì mừng tuổi với người này như một cách trả ơn, với người kia như một “lễ” ra mắt với người có quyền lực.
Cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, đường phố Hà Nội rất dễ bị kẹt do dòng xe ngoại tỉnh về để các địa phương, doanh nghiệp chúc Tết các cơ quan, bộ ngành Trung ương. Tại một số cơ quan hay nhà riêng của một ai đó, xe từ các địa phương, doanh nghiệp xếp hàng dài, chờ đợi tới chúc Tết, gây ra sự phản cảm đối với xã hội.
Không ít cán bộ lão thành hay người dân thường đã từng thốt lên “muốn chống tham nhũng phải bắt đầu từ đây” nhưng hình như việc chúc Tết với phong bao, phong bì ngày “càng dày, càng nặng” đã mặc nhiên như nó phải thế! Do vậy, yêu cầu của Thủ tướng “không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì” không chỉ là mệnh lệnh của người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất đối với hệ thống hành chính mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, làm sống lại một nét văn hóa đặc sắc cũng như thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thực hiện yêu cầu này của Thủ tướng cũng là góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, chính quyền liêm chính.
Thực tế trong thời gian qua, cũng có những vị lãnh đạo không nhận quà nhân dịp sinh nhật, lễ, Tết và đã mang lại hình ảnh đẹp trong mắt người dân. Tuy nhiên, những “điển hình” mẫu mực đó chưa được nhân rộng. Nay trước yêu cầu của Thủ tướng – được xem như một chỉ thị - hy vọng rằng, việc chúc Tết và phong bao mừng tuổi ngày Tết sẽ trở về đúng ý nghĩa nhân văn nguyên thủy của nó.