Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Diệu Hằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, cho biết, hiện tại, bệnh viện quản lý và chăm sóc 226 bệnh nhân của Bệnh viện K và 65 người nhà. Các bệnh nhân và người nhà đã cách ly được 17 ngày, được xét nghiệm 3 lần và đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, sẽ đủ 21 ngày vào ngày 28/5. Bệnh viện K cũng cử 6 bác sĩ và 6 điều dưỡng viên của Bệnh viện K về chăm sóc bệnh nhân, đảm bảo các quyền lợi của người bệnh. Hiện tại, tâm lý và sức khỏe người bệnh ổn định; công tác dinh dưỡng và chăm sóc y tế được đặc biệt quan tâm vì các bệnh nhân đều bị ung thư.
Nhà trường và bệnh viện đã cử 287 cán bộ và sinh viện hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh trong 9 ngày qua và huy động 100 cán bộ, sinh viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại Hải Dương.
Tiến sĩ Nguyễn Hằng Lan, Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, thông tin, hiện tại, bệnh viện có thể đảm bảo 300 giường bệnh, song còn thiếu nhiều trang thiết bị. Bệnh viện cũng đề xuất được hỗ trợ máy xét nghiệm PCR; hoàn thiện thêm Khu Hồi sức tích cực và trang bị thêm giường bệnh.
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn và Đoàn công tác đánh giá cao sự hỗ trợ, ủng hộ và chung tay của Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đối với Bệnh viện K. Bệnh viện đã hy sinh quyền lợi của mình, không tiếp nhận bệnh nhân thông thường để tiếp nhận bệnh nhân từ Bệnh viện K, giúp giải phóng bớt bệnh nhân cho Bệnh viện K.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện K, đề nghị Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương rà soát, phân loại đối tượng bệnh nhân F1 và F2, những người được xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong 2-3 lần, đủ thời gian cách ly, để cho về địa phương; chuyển thêm bệnh nhân từ Bệnh viện K về Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cần xem xét và nâng công suất giường bệnh để đáp ứng công tác chống dịch.
Các chuyên gia trong Đoàn công tác cũng đề nghị Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương phải xây dựng phương án kịch bản khi có nhiều bệnh nhân là F0; bố trí phân luồng một chiều từ khi tiếp nhận đến khi ra viện; thiết lập các khu bệnh nhân nặng, bệnh nhân ít triệu chứng, khu bệnh nhân hồi phục… và thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh bề mặt, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị Tổ Công tác đặc biệt chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện K phân chia nhiệm vụ cho các nhóm để điều tra các trường hợp bệnh, xử lý ổ dịch; khoanh vùng kiểm soát; lập danh sách, thực hiện cách ly; theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe các trường hợp tiếp xúc gần với các người bệnh đã được xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ; phối hợp với y tế các địa phương có phương án quản lý bệnh nhân Bệnh viện K khi trở về.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương và Tổ công tác xem xét phương án bố trí nơi ở cho bệnh nhân đối với những địa phương đang vùng dịch, đang thực hiện giãn cách xã hội (như Bắc Ninh, Bắc Giang). Nhà trường cần tiếp tục hỗ trợ Bệnh viện K đảm bảo công tác chống dịch, khử khuẩn vệ sinh môi trường và tiếp nhận thêm bệnh nhân F1. Bệnh viện cũng cần xây dựng kế hoạch hoạt động trước mắt và lâu dài, có kế hoạch đảm bảo sức khỏe nguồn nhân lực phục vụ công tác chống dịch lâu dài.
Trước đó, Bộ Y tế đã có Công văn số 4135/BYT-KCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở y tế, cơ sở y tế các bộ, ngành và Bệnh viện K về việc chuyển người cách ly của Bệnh viện K về các cơ sở y tế của địa phương, bộ, ngành.
Theo đó, để đảm bảo giãn cách, cũng như giảm tải cho Bệnh viện K nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ sở y tế của các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ, tiếp nhận người bệnh, người nhà người bệnh từ Bệnh viện K.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đề nghị Bệnh viện K chủ động liên hệ với các Sở y tế, các cơ sở y tế của các bộ, ngành để triển khai thực hiện, bảo đảm các nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các trường hợp chuyển viện, chỉ bàn giao các trường hợp tại các khoa không có ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và đã có kết quả xét nghiệm 2 lần gần nhất âm tính, bảo đảm tuyệt đối không để lọt các ca COVID-19.