Không đóng dấu mật báo cáo về Formosa
Theo dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV được Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, Chính phủ sẽ phải có báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa. Đây là vấn đề đang được dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, nên đề nghị kết hợp thảo luận cùng kinh tế-xã hội, nếu có vấn đề cần thiết sẽ đưa vào Nghị quyết về kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2017. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo riêng hoặc thể hiện một phần trong báo cáo chung của Chính phủ về kinh tế - xã hội để trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp sáng 15/9. Ảnh: quochoi.vn |
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến khẳng định vấn đề Formosa Chính phủ phải có báo cáo riêng, vì xã hội, cử tri rất quan tâm vấn đề này, đặc biệt là việc khắc phục hậu quả sự cố môi trường, có tiếp tục tiến hành dự án này hay không...
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhận định: "Nhân dân cần nghe báo cáo không phải để trừng phạt hay làm gì mà để xem vấn đề đã được khắc phục thế nào, giải ngân tiền bồi thường của Formosa đến người dân bị thiệt hại có kịp thời không, có đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng của người dân không?"
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình thậm chí yêu cầu đây phải là một báo cáo chuyên đề chuyên sâu. "Quốc hội phải nói rõ yêu cầu Chính phủ báo cáo gì, tránh để một bộ gửi một báo cáo đóng dấu mật nhưng đọc rồi thì giống hệt thông tin đã đăng hết trên báo. Cứ như vậy dần dần các bộ ngành sẽ thấy báo cáo trước Quốc hội là việc rất đơn giản", ông Phan Thanh Bình nêu quan điểm.
Đồng tình với các thành viên Uỷ Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Báo cáo về Formosa phải là báo cáo riêng, đầy đủ thực chất những vấn đề mà đại biểu quốc hội cần phải biết với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.
Báo cáo Biển Đông không chung chung
Đối với báo cáo của Chính phủ về vấn đề Biển Đông, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ ra từ trước đến nay Bộ Ngoại giao đã có nhiều báo cáo về tình hình Biển Đông nhưng cũng đều là những thông tin đã công bố trước đó.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến đồng tình, báo cáo phải cụ thể về tình hình Biển đông sau phán quyết của tòa trọng tài, nêu rõ phản ứng của các nước, cũng như chủ trương giải pháp của ta, chứ không thể là một báo cáo chung chung.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, Biển Đông cần có báo cáo riêng, nhưng khác là báo cáo tình hình Biển Đông sau phán quyết của tòa trọng tài thường trực, phản ứng của các nước cũng như giải pháp của chúng ta. "Đã đến lúc những vấn đề nhạy cảm, quan trọng, phức tạp thì Quốc hội cần phải biết, không tránh né nữa, phải đối mặt những vấn đề đang diễn ra, đang ảnh hưởng đến sinh mệnh của đất nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.