Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng cho Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Cùng dự có Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương và các vị khách quốc tế, các nhà đầu tư. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng đề nghị Khu Công nghệ cao thành phố cần tăng cường thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ cao vào xây dựng các cơ sở "nghiên cứu và phát triển" tạo thành điểm hội tụ các “tinh hoa trí tuệ, công nghệ cao” của thế giới, phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo mạnh của khu vực.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, sự ra đời của Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cách đây 15 năm là bước đi cụ thể hóa chủ trương của Đảng xây dựng một số khu công nghệ cao, nhằm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực về khoa học công nghệ, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất với nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng ấn tượng trước những kết quả đạt được của Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh với sản lượng công nghiệp công nghệ cao tăng nhanh, bước đầu hình thành chuỗi giá trị gia tăng cao, bình quân cao gấp 3 lần so với các sản phẩm trong các khu công nghiệp. Khu công nghệ cao cũng đã xây dựng được môi trường thuận lợi cho nghiên cứu và phát triển, đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp. Ước tính cứ một đồng vốn đầu tư cho khu công nghệ cao đã kích thích 21 đồng vốn khác đầu tư và sản xuất phát triển công nghệ cao và con số này còn tăng cao trong những năm tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng đã xác định phải xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ của đất nước, thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI, tập trung đầu tư phát triển một số khu công nghệ cao theo mô hình tiên tiến của thế giới. Trước yêu cầu đó, Thủ tướng chỉ đạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cần đổi mới tư duy, năng động hơn nữa, có tầm nhìn phát triển theo kịp xu thế của thời đại, phấn đấu trở thành một “thung lũng Silicon” của khu vực và vươn lên tầm cỡ thế giới. Khu Công nghệ cao Thành phố phải là một trung tâm lớn về nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu về khoa học công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh, vườn ươm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao góp phần đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh đầu tiên của nước ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày sản phẩm tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Để đạt được mục tiêu đó, cùng với xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Thành phố và các bộ, ngành xây dựng Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh phải thực sự là khu kinh tế kỹ thuật đặc biệt, sản xuất được hầu hết các sản phẩm chủ lực về công nghệ cao, không ngừng gia tăng nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu hoạt động, tăng số lượng sản phẩm và tỷ lệ đầu tư nghiên cứu và phát triển từ khu vực doanh nghiệp. Nâng cao năng lực trong nước, chuẩn bị bước sang giai đoạn sáng tạo công nghệ cao.
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cũng cần rà soát đánh giá lại các dự án đầu tư, chỉ cấp phép đối với các dự án đáp ứng yêu cầu về công nghệ cao, có năng lực tài chính, bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả, đúng mục đích.
Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, kể cả các nhà khoa học nước ngoài. Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cần phối hợp tốt với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học, các viện nghiên cứu trong vùng hình thành khu đô thị khoa học công nghệ Đông Bắc Thành phố với hạt nhân là Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao, sớm đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm lớn về khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng cũng yêu cầu Khu công nghệ cao Thành phố tạo ra được một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm của trí tuệ Việt Nam; ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.
Hoan nghênh Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị đề án thành lập khu công nghệ cao thứ hai với mô hình tiên tiến là Công viên Khoa học công nghệ, Thủ tướng đề nghị Thành phố lưu ý đầu tư hệ thống giao thông kết nối đồng bộ giữa Khu Công nghệ hiện hữu với Công viên khoa học công nghệ. Cùng với đó là rà soát lại hệ thống văn bản pháp lý liên quanh việc xây dựng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển về công nghệ cao.
Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh thành lập tháng 10/2002, nhưng trước đó, Thành phố Hồ Chí Minh mất 10 năm cho công tác chuẩn bị. Sau 15 năm thành lập, đến nay, đã có nhiều thành phần đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tại đây, trở thành quần thể sản xuất và nghiên cứu công nghệ cao với những tên tuổi lớn như Intel, Samsung, Nidec, FPT, Jabil…
Tính đến tháng 9 năm nay, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có 130 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 6,8 tỷ USD. Nếu như năm 2010 giá trị sản lượng sản xuất của Khu công nghệ cao chỉ đạt 0,5 tỉ USD thì dự kiến trong năm nay sẽ đạt 12 tỉ USD và đến năm 2020 sẽ vượt mốc 20 tỉ USD. Khu công nghệ cao đã tạo ra gần 40 nghìn việc làm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố. Ước tính từ năm 2020 trở đi, Khu công nghệ cao này có thể đóng góp cho ngân sách Thành phố mỗi năm hơn 1 tỷ USD.
Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Ban Quản lý khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý ghi nhận những nỗ lực của Ban quản lý suốt 15 năm qua.
Ngay sau khi dự Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Nhà máy Intel Products Việt Nam, thuộc Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng trong Khu công nghệ cao, Thủ tướng dự Lễ phát động trồng cây đời đời nhớ ơn Bác của Đại học Nguyễn Tất Thành. Đây là chuỗi hoạt động Kỷ niệm 18 năm thành lập Trường và Chào mừng năm học mới 2017 - 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Đại học Nguyễn Tất Thành là Đại học ngoài công lập đầu tiên đạt kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đạt chuẩn quốc tế 3 sao của tổ chức QS-Stars, chính thức trở thành thành viên liên kết của Tổ chức AUN-QA.
Để thực hiện mục tiêu trở thành trường đại học hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, một trong những hoạt động quan trọng của Trường là đầu tư 3 dự án gồm: Trung tâm phát triển công nghệ cao, Trung tâm đào tạo công nghệ cao và Công viên Thiên niên kỷ tại Khu Công nghệ cao TP.HCM với tổng kinh phí đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hoạt động của Trường những năm qua, nhất là việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa sau khi tách ra khỏi Tập đoàn Vintatex. Cùng với các Đại học FPT, Tôn Đức Thắng, Đại học Nguyễn Tất Thành là mô hình thành công và là bài học cho các trường đại học đang thực hiện xã hội hóa.
Thủ tướng hài lòng với phương châm đào tạo của Trường gắn liền với nhu cầu của xã hội thể hiện qua con số 95% sinh viên ra trường có việc làm. Ngoài ra, việc gắn kết giữa giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng được triển khai, hợp tác tốt với các cơ sở sản xuất và dịch vụ, đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Thủ tướng cho rằng, đây chính là hướng đi đúng để Trường phát triển bền vững và cũng là bài học cho nhiều Trường Đại học.
Tiếp đó, Thủ tướng cũng đã trồng cây lưu niệm tại Trung tâm Phát triển Công nghệ cao của Trường.