Khúc tráng ca hào hùng - Bài 4: Những người mang tiếng hát vào chiến trường

Trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, nhiều văn nghệ sĩ Hà Nội tình nguyện vào chiến trường, ngày đêm mang lời ca tiếng hát, động viên tinh thần các chiến sĩ vượt qua mưa bom lửa đạn nơi tuyến đầu cuộc chiến.

Tiếng hát át tiếng bom

Chú thích ảnh
 Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Trầm. Ảnh: TTXVN phát

Nhớ lại những năm tháng gian khổ mà oanh liệt, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Trầm - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội kể, thời điểm đó là năm 19, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang trong giai đoạn khốc liệt, thành phố Hà Nội vận động các văn nghệ sĩ xung kích tham gia phục vụ chiến trường. Mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, nghệ sĩ Thanh Trầm đã nhờ người thân chăm con nhỏ, hăm hở khoác ba lô vào chiến trường. Bởi hơn ai hết, chị hiểu rằng mình vừa là nghệ sĩ, vừa làm công tác chính trị xã hội nên khi đất nước cần đến, phải gác cái riêng lại để phục vụ cho lý tưởng chung.

Gần một năm ở chiến trường, chị cùng các nghệ sĩ Hà Nội lặn lội dọc tuyến đường Trường Sơn, chia sẻ khó khăn cùng các chiến sĩ, động viên họ vững tay súng trong chiến đấu. Lúc thì chị ở Quân khu IV, khi thì sang cả nước bạn Lào. Những lời ca, tiếng hát như tiếp thêm sức mạnh cho các anh bộ đội, mang lại những nụ cười, xua tan mệt mỏi sau những ngày hành quân, chiến đấu vất vả. 

Nghệ sĩ Thanh Trầm kể rằng, những ca khúc chị thường hát là các bài ca ngợi về chiến sĩ, cách mạng; diễn những trích đoạn chèo ca ngợi đất nước; ngâm những bài thơ về Bác Hồ, về sự vững tin của hậu phương. Mỗi khi biểu diễn, các nghệ sĩ trong đoàn đều nhiệt huyết, say sưa với các tiết mục như truyền cảm hứng cho các chiến sĩ. Vì đang trong thời chiến nên nhiều buổi biểu diễn, đoàn văn công phải ngụy trang để tránh máy bay địch phát hiện.

Trong đó, kỷ niệm mà nghệ sĩ Thanh Trầm khó quên, đó là lần đoàn đang biểu diễn trích đoạn chèo “Tình yêu chiến sĩ” thì nhận được báo động máy bay Mỹ ném bom. Cả đoàn nhanh chóng tìm chỗ trú ẩn, anh chị em nghệ sĩ được các anh bộ đội che chắn, bảo vệ. Chỉ ít phút sau đó, ai nấy đều bàng hoàng khi máy bay Mỹ ném bom trúng nơi vừa biểu diễn, chỉ cách chỗ trú ẩn vài trăm mét. Nhưng không vì thế, nghệ sĩ Thanh Trầm và anh chị em trong đoàn nản chí, sau những lần như vậy họ lại tiếp tục lên đường mang tiếng hát của mình đến với các chiến sĩ.

Cũng có lần chị rơi vào tình trạng chơi vơi khi vừa hát cho một chiến sĩ bị thương nghe, sau khi đoàn rời đi vài km thì nhận được tin anh đã hy sinh. Hay có lần biểu diễn ở Quân khu IV, khi chị hát bài ca ngợi về bà mẹ hậu phương thì một bà mẹ quê Hà Tĩnh xúc động nhận chị làm con gái. Bởi cụ có hai người con hy sinh trong kháng chiến, trong đó có một con gái ngang tuổi nghệ sĩ Thanh Trầm. 

Nghệ sĩ Thanh Trầm luôn tự nhủ, mình lớn lên trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, nên bản thân cần có trách nhiệm đóng góp cho Tổ quốc. Sau này, nghệ sĩ Thanh Trầm luôn cố gắng trong việc xây dựng, phát triển nghệ thuật sân khấu Thủ đô, đất nước và đạt được nhiều thành tựu lớn.

Những ca khúc vang niềm tin chiến thắng

Ở tuổi 86, nhạc sĩ Vĩnh Cát, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi nhắc đến tình yêu với âm nhạc, với những sáng tác về cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam đầy gian khó nhưng rất đỗi hào hùng và niềm tin chiến thắng mãnh liệt. Dù ông không trực tiếp tham gia trong cuộc kháng chiến, nhưng các sáng tác của ông luôn hướng về miền Nam ruột thịt, nói lên niềm trăn trở khi hai miền chia cắt, dõi theo bước chân hành quân của các anh bộ đội, niềm tự hào khi những tin thắng lợi vọng về. Đa phần các ca khúc viết về giải phóng miền Nam, ông đều gửi trọn niềm tin chiến thắng.

Ánh lên niềm vui, nhạc sĩ Vĩnh Cát chia sẻ, trong sự nghiệp sáng tác của ông có khoảng 20 ca khúc viết về giải phóng miền Nam, trong đó rất nhiều bài được thu âm phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Lúc bấy giờ, mỗi bài được lan truyền trên sóng phát thanh có tác dụng lớn trong việc cổ vũ tinh thần nhân dân cả nước cùng đứng lên chiến đấu, đánh đuổi quân thù. 

Nhiều người vẫn ấn tượng với ca khúc “Bạn ơi, hãy nghe Bến Hải tâm tình” của nhạc sĩ Vĩnh Cát sáng tác năm 1960. Bài hát trữ tình có âm hưởng dân ca miền Trung, được viết nên khi tác giả xúc động đứng bên dòng sông Bến Hải (Quảng Trị), cảm nhận nỗi đau khi hai miền Bắc Nam bị chia cắt và niềm hy vọng hai bờ được hàn gắn. Bài hát viết ở nhịp 3/4 thể hiện dòng chảy của con sông đang bị chia cắt, gửi những tâm tư “Lòng sông hẹp, sóng êm êm phẳng lặng/Có sẵn đò mà chẳng được sang ngang”, nhưng cũng mạnh mẽ, cao trào “Sông với người niềm tin như sức mạnh/Hơn ngàn đại dương cuồn cuộn xô tới” hay “Bến sông, xóm chài không thể nào chia hai”.

Đặc biệt, ca khúc “Ta đang sống những ngày tươi đẹp nhất” sáng tác năm 1975, ngay sau thời điểm giành chiến thắng tại Buôn Ma Thuột và nhiều tỉnh miền Trung. Với tiết tấu khỏe, hào hùng, tràn đầy khí phách, niềm tin, nhạc sĩ Vĩnh Cát đã phản ánh khí thế sục sôi của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông tự hào cho biết, khi viết ca khúc này ông đã dự báo được đại thắng trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam và sau đó ít lâu là cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định thắng lợi, hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Ðồng bào ơi! Ðồng chí ơi! Chúng ta đang sống những ngày đẹp nhất. Cùng miền Nam, vượt khó khăn mấy mươi năm giành chiến thắng trận này. Trời Tổ quốc lộng gió xuân, chân vui những bước dài lịch sử khi lớp lớp quân thù sụp đổ. Miền Nam ơi! Việt Nam ơi! Có mùa xuân nào đẹp hơn mùa xuân này!”. Từ cuối tháng 3 và tháng 4/1975, Ðài Tiếng nói Việt Nam liên tục phát sóng ca khúc này trên sóng hằng ngày, sau những bản tin chiến thắng. 

Bên cạnh đó là các ca khúc ông gửi tình cảm của mình cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam như: “Đôi mắt diệu kỳ”, “Cửa Tùng”, “Nổi lửa căm hờn”… Với nhạc sĩ Vĩnh Cát, âm nhạc là đam mê, là lẽ sống; sự nghiệp sáng tác của ông hòa cùng sứ mệnh của đất nước, trong đó có sự gian khổ, niềm tin trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các nghệ sĩ như diễn viên Thanh Trầm, nhạc sĩ Vĩnh Cát cùng nhiều chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các trí thức và nhân dân Hà Nội đều tâm nguyện được cống hiến cho lý tưởng chiến đấu, chiến thắng khi đất nước đang bị chiến tranh. Họ tình nguyện vào chiến trường mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ, của niềm tin và khát vọng chiến thắng, để người dân miền Nam không còn khổ đau, đất nước không bị chia cắt, hòa bình đến với mọi nhà.

Bài cuối: Niềm tin và khát vọng chiến thắng

Đinh Thuận - Văn Cảnh (TTXVN)
Khúc tráng ca hào hùng - Bài 3: Chiến sĩ cầm bút trên mặt trận kháng chiến
Khúc tráng ca hào hùng - Bài 3: Chiến sĩ cầm bút trên mặt trận kháng chiến

Cùng góp sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, những nhà báo - chiến sĩ, bằng ngòi bút, tay máy của mình đã phản ánh sinh động cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân và dân ta ở miền Nam. Các bài viết, hình ảnh của họ đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN