Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Ban điều hành Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho biết, trong năm 2017, Hội đồng đã tổ chức thành công đại hội, bầu ra ban điều hành đại điện cho hơn 100 doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước có cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển bền vững. Bộ tiêu chí xếp hạng phát triển bền vững được chỉnh sửa, giảm độ phức tạp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ có thể làm theo. Việc xếp hạng cũng được thay đổi từ danh sách 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tốt nhất sang công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn phát triển bền vững và doanh nghiệp làm tốt việc phát triển bền vững.
Hội đồng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành lập trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, kiến nghị chính sách để xây dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong năm 2018, Hội đồng sẽ thành lập các nhóm công tác để nghiên cứu những thuận lợi, thách thức, cơ hội việc làm trong kỷ nguyên số hoá, Cách mạng công nghiệp 4.0 tại một số doanh nghiệp tiêu biểu của ngành da giày, thuỷ sản, dệt may…
Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: Văn Điệp/ TTXVN |
Tại buổi tiếp, đại diện một số doanh nghiệp cũng đề xuất một số vấn đề cụ thể liên quan đến việc tăng cường nhận thức của doanh nghiệp về những thách thức hiện hữu trong phát triển bền vững; những cơ hội từ mô hình kinh tế tuần hoàn; nhu cầu ứng dụng dụng công nghệ thông tin, kết nối và chia sẻ dữ liệu trong kỷ nguyên số…
Phó Thủ tướng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp thành viên của Ban điều hành Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững đã kiên trì, trách nhiệm, sáng tạo, có những đóng góp rất ý nghĩa để cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ý thức được lợi ích, trách nhiệm phải phát triển bền vững.
Nhắc đến những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng cho rằng phải có những hành động để nhận thức đúng, thiết thực về khái niệm này bằng những chủ đề cụ thể đối với từng cơ quan, doanh nghiệp, từng cá nhân một cách dễ hiểu, dễ thấy. Đây là một nội dung quan trọng của Diễn đàn phát triển bền vững sắp tới do VCCI phối hợp tổ chức với các bộ, ngành, tổ chức quốc tế.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Ban điều hành Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững phải có tiếng nói mạnh mẽ để lan toả tinh thần phát triển bền vững ra cộng đồng doanh nghiệp, coi việc phát triển doanh nghiệp bền vững là mục đích lớn nhất của VCCI. Nhiều bộ chỉ số của VCCI như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số doanh nghiệp đánh giá các bộ, ngành (MEI)… cuối cùng cũng vì mục tiêu phát triển bền vững.
"Việt Nam hiện còn khoảng 40% lao động làm việc ở khu vực nông nghiệp, trong khi các nước phát triển chỉ là 5 - 10%. Để đạt được tỷ lệ này ở Việt Nam, cần có thêm nhiều nhà máy, nhiều doanh nghiệp hơn nữa. Muốn vậy phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để mọi người dân đều có thể tham gia kinh doanh. Đây là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, nhưng tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần có nhiều cuộc đối thoại thường xuyên, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng để tạo chuyển biến tích cực; khuyến khích các doanh nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng ít năng lượng, không làm ô nhiễm môi trường, có trách nhiệm xã hội… để mọi người dân được thụ hưởng thành quả phát triển", Phó Thủ tướng khẳng định.