Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD&ĐT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học chú trọng phát triển hệ thống, đặc biệt là khuyến khích các trường lớn có tiềm lực sáp nhập thành những ĐH lớn, hoặc một số trường trong cùng một nhóm ngành, địa phương kết hợp với nhau thành những ĐH lớn đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.
Luật mới cũng chú trọng phát triển hệ thống ĐH tư thục và các ĐH tư thục được phát triển bình đẳng gần như với các trường công lập. Có nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng đào tạo tại chức thì không thể bằng chính quy, đây cũng là lý do khiến văn bằng tại chức không được coi trọng. Gần đây có một số bài báo trích dẫn ý kiến một vài Đại biểu quốc hội cho rằng, việc quy định không phân biệt văn bằng tại chức và chính quy sẽ dẫn tới đào tạo tràn lan hệ tại chức và không đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH.
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay từ trước tới nay văn bằng chỉ nhằm quy định trình độ đào tạo cao hay thấp, rồi lĩnh vực hay ngành học đó để xác định chuyên môn đào tạo của người đó như thế nào. Hình thức đào tạo không ghi trên văn bằng, dù vừa học vừa làm, học tập trung hay đào tạo từ xa đều phải trên một chương trình thống nhất, có thời lượng thống nhất, cùng trên chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra như nhau. Cùng phải thực hiện cùng 1 khung trình độ quốc gia..vv
Như vậy, không có lý do gì để phân biệt văn bằng chính quy – tại chức. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì ta có thể thấy hình thức chính quy hay tại chức, vừa làm vừa học thì vẫn có trường tốt và không tốt, có người đạt trình độ cao và có người cũng chỉ đạt trình độ tiêu chuẩn. Do đó, vấn đề chất lượng ĐH chính quy hay tại chức ở đây là do chính sách chất lượng của từng trường và do nỗ lực của từng người học để lấy kiến thức thực thụ hay học để lấy tấm bằng, chứ không phụ thuộc quá lớn vào hình thức văn bằng, hình thức đào tạo.
Còn theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An, Luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ ĐH, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng GD ĐH, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội.
Luật đã mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH trong toàn hệ thống; trong đó, quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH trong việc xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở GDĐH. Chủ trương tăng cường tự chủ cho các cơ sở GDĐH nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát hợp lý chất lượng đào tạo, chú trọng quản lý đối với các ngành liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng.
Đặc biệt, Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy. Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính… Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường… phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảm bảo thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình cơ sở GDĐH để tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ. Cơ sở GDĐH có quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai khi tuyển sinh. Nhà nước phân bổ ngân sách và nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả thông qua chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và hình thức khác; ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao.
Thứ trưởng Lê Hải An cho biết thêm, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo việc xây dựng 02 Nghị định hướng dẫn (Dự kiến ban hành tháng 05/2019) và rà soát lại các văn bản có liên quan để thực thi Luật từ 1/7/2019.