Trong thư, hai đơn vị này cho biết những quan ngại liên quan đến các điều kiện y tế được đề xuất, cũng như các khuyến nghị về vấn đề này; cho rằng các quy định cần đơn giản nhất đến mức có thể và tránh lặp lại những sai lầm tương tự ở một số điểm đến du lịch quốc tế khác làm cho các điểm đến này kém hấp dẫn.
Liên quan đến phản hồi của Bộ Y tế về các điều kiện áp dụng cho du khách quốc tế và các khuyến cáo của Bộ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Hội đồng Tư vấn du lịch bày tỏ lo ngại các yêu cầu về xét nghiệm COVID-19 đối với du khách trước khi nhập cảnh và các thủ tục xét nghiệm sau đó sẽ vô cùng bất lợi, làm giảm đáng kể số lượng du khách muốn đến Việt Nam. Điều đó sẽ đặt Việt Nam vào tình thế rất bất lợi khi phải cạnh tranh với các nước khác để thu hút đầu tư nước ngoài và du khách quốc tế.
“Ngoài ra, các đề xuất này thể hiện sự phân biệt đối xử không nên có đối với du khách quốc tế về các điều kiện xét nghiệm và cách ly cao hơn nhiều so với người Việt Nam đi lại nội địa. Chúng cũng trái với chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng với COVID và các xu thế trên thế giới”, thư viết.
Hai đơn vị trên khuyến nghị chúng ta nên đi theo những gì đại đa số các quốc gia đang làm, đó là loại bỏ các yêu cầu xét nghiệm trước khi bay và ngay khi đến, tất cả du khách quốc tế và du khách nội địa được đối xử giống nhau; làm rõ các chứng chỉ tiêm vaccine đang trong thời hạn chưa quá 6 tháng kể từ mũi tiêm cuối cùng và chấp nhận hầu hết các loại chứng chỉ. Trẻ em dưới 12 tuổi được đối xử giống như bố mẹ, nghĩa là nếu bố mẹ có chứng chỉ tiêm vaccine còn hiệu lực, trẻ em đi cùng được phép nhập cảnh không cần phải xét nghiệm và có chứng chỉ tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Hội đồng Tư vấn du lịch cũng đưa ra khuyến nghị, tất cả du khách có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi nhập cảnh chỉ cần được cách ly tại khách sạn hoặc nơi cư trú cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính như đang áp dụng đối với du khách nội địa.
Mong muốn Thủ tướng sẽ xem xét các khuyến nghị trên một cách thỏa đáng khi ban hành quyết định cuối cùng về việc mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3, hai đơn vị này cho rằng, sẽ mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, để số lượng du khách quốc tế đạt được mức như trước đại dịch COVID. Một chính sách cởi mở, sáng suốt và kịp thời sẽ giúp gây dựng niềm tin các thị trường nguồn chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta. Trong năm nay, Hội đồng Tư vấn du lịch hy vọng bằng nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch và chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, chúng ta sẽ đạt mục tiêu đón 5 triệu du khách quốc tế, đóng góp mạnh mẽ cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% mà Chính phủ đề ra.