Tình huống 1 chưa có trường hợp bệnh trên người; tình huống 2 có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa lây từ người sang người; tình huống 3 phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9); tình huống 4 dịch bùng phát ra cộng đồng.
Trong các tình huống trên, tình huống 2 (khi có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa lây từ người sang người) được Bộ Y tế chú trọng. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên, ngành y tế tập trung khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch từ động vật sang người.
Phun thuốc khử trùng tại các khu vực buôn bán, giết mổ, để ngăn chặn dịch cúm gia cầm tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Bá Khang/TTXVN phát |
Các hành động cụ thể sẽ được triển khai gồm: Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi các cấp tổ chức họp hàng tuần và đột xuất để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế; đồng thời nâng mức cảnh báo cộng đồng để chính quyền và người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực chủ động các biện pháp chống dịch.
Ngành y tế chủ động giám sát phát hiện các trường hợp bệnh, tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân; tiếp tục giám sát các tường hợp viêm đường hô hấp cấp nặng tại các điểm giám sát trọng điểm, tại các bệnh viện trên toàn quốc và giám sát dựa vào sự kiện.
Đặc biệt, thực hiện tốt việc giám sát người, động vật và hàng hóa tại cửa khẩu, khu vực biên giới; áp dụng hình thức khai báo y tế tại các cửa khẩu quốc tế. Đồng thời, ngành y tế thực hiện các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ; điều tra, theo dõi sức khỏe các trường hợp có tiếp xúc với người bệnh; tăng cường giám sát, xét nghiệm để xác định sự lưu hành biến đổi, mức độ lây lan của vi rút cúm A(H7N9).
Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp xử lý triệt để các ổ dịch cúm A(H7N9). Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức các khu vực cách ly riêng, đặc thù cho việc điều trị bệnh nhân cúm A(H7N9); tổ chức thường trực phòng chống dịch tại các đơn vị y tế; các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.
Khi tình huống 2 xảy ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị chức năng thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị, dự phòng xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh; thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh phù hợp với các đối tượng nguy cơ.
Đồng thời, ngành y tế đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang, lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch để phòng dịch bùng phát trên diện rộng; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tại các địa phương…
Các bệnh viện tuyến Trung ương tổ chức tập huấn cho cán bộ hệ điều trị về tiếp nhận, cách ly, điều trị cấp cứu bệnh nhân theo phân công của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế); hỗ trợ các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện và một số bệnh viện ngành chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
Các bệnh viện tuyến Trung ương chủ động chuẩn bị giường bệnh, có kế hoạch duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch lớn; tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh; thực hiện kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện, chống lây nhiễm chéo, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới…