Kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá

Trong hai ngày 31/8 và 1/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Tại phiên họp, các thành viên chính phủ đã dành thời gian tập trung phân tích, đánh giá và thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng năm 2015, dự báo cả năm, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2016; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước 2016; một số báo cáo chuyên đề và dự án luật.

Kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô


Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tác động của giá dầu giảm xuống dưới 40 USD/thùng và đồng nhân dân tệ giảm không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Chính phủ vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, các chỉ tiêu tăng trưởng được đảm bảo, lạm phát được duy trì dưới 1%, thu ngân sách hàng tháng vượt chỉ tiêu nhờ thu nội địa tăng trên 16%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo với kết quả kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và triển vọng sắp tới, ước khả năng tổng sản phẩm trong nước sẽ đạt 6,4%, tăng 0,2% so với kế hoạch, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%, lạm phát bằng 1/2 hoặc thấp hơn so với dự tính ban đầu. Dự kiến cả năm có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, một chỉ tiêu có thể không đạt là tỷ lệ che phủ rừng.

Thành viên chính phủ cho rằng, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô phải luôn được đặt lên hàng đầu bởi đây chính là nền tảng, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, cần đề ra các giải pháp hiệu quả hơn nữa để tiếp tục đảm bảo cho tăng trưởng và phát triển; quyết liệt hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện đất nước đã hội nhập quốc tế sâu rộng; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; chăm lo mọi mặt cho đời sống nhân dân.

Liên quan đến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, các thành viên chính phủ nhận định đây là điểm đổi mới, giúp các bộ, ngành hoàn toàn chủ động trong đầu tư công.

Lần đầu tiên có thể tổng hợp được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối với ngân sách nhà nước trong 5 năm, thấy tổng thể khả năng cân đối nguồn vốn để xử lý số nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả vốn ứng trước, xác định rõ nhu cầu đầu tư để hoàn thành các dự án chuyển tiếp, nhu cầu đối ứng các chương trình, dự án ODA của các bộ, ngành, địa phương.

Thay vì trước đây phải “xin” vốn hàng năm, nay vốn được bố trí tập trung một lần ngay từ đầu nhiệm kỳ, các bộ trưởng sẽ nhận thấy rõ hơn vai trò Tư lệnh ngành, thêm quyền chủ động và tự chủ trong việc phân bổ vốn cho các dự án cụ thể, xem xét, lựa chọn đầu tư đến nơi đến chốn cho dự án, tránh phân tán, dàn trải kéo dài; đồng thời giải quyết cơ bản các dự án dở dang tồn tại nhiều năm qua, chấm dứt phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng lập kế hoạch đầu tư trung hạn phải lập tổng thể tất cả các lĩnh vực, khu vực cần đầu tư. Không chỉ những công trình trọng điểm, mà những công trình nhỏ bắt buộc phải đầu tư vẫn phải đưa vào kế hoạch để bố trí vốn. Các dự án liên quan đến ODA, cần đảm bảo nguồn vốn đối ứng để triển khai dự án.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính cho thấy khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Cân đối vốn giữa một bên có nhu cầu rất lớn, một bên thực tế nguồn vốn ít là rất khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước còn hạn chế.

Để có thêm nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng đề nghị bán bớt phần vốn của nhà nước tại các Tập đoàn, các Tổng công ty nhà nước, như vậy cũng sẽ góp phần đổi mới phần quản trị doanh nghiệp, giảm nợ công. Bên cạnh đó, cần tăng cường xã hội hóa đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, bao gồm cả giao thông.

Đồng tình với việc xã hội hóa đầu tư để giảm đi gánh nặng thiếu vốn, song Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng điều quan trọng trong xã hội hóa đầu tư và hình thức hợp tác công - tư là tiếp cận đúng giá trị thực, tránh tình trạng gói thầu tăng quá cao, tăng chi phí đầu vào, gây khó khăn cho nền kinh tế trung và dài hạn.

Thành viên chính phủ cũng đề xuất toàn bộ vốn ngân sách bao gồm cả lĩnh vực đầu tư phát triển và sự nghiệp đều cần được lập kế hoạch vốn trung hạn, xây dựng kế hoạch trung hạn đồng bộ với vốn đầu tư.

Nêu lên những khó khăn của người lao động hiện nay, khi mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu tối thiểu, các thành viên chính phủ thống nhất tăng lương tối thiểu nhưng phải có lộ trình cụ thể.

Về việc này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết ngày 3/9 tới, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp lại để đi đến thỏa thuận về mức tăng, nhưng bên cạnh việc cố gắng thỏa thuận được cho người lao động, cũng phải tính đến các yếu tố tác động tới doanh nghiệp.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận đã báo cáo thêm một số thông tin về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và nhận trách nhiệm về việc đã để xảy ra những bức xúc trong dư luận sau đợt tuyển sinh đại học đầu tiên. Kết thúc đợt 1, các trường đại học sử dụng chung kết quả thi tốt nghiệp đã tuyển được 295 nghìn chỉ tiêu/350 nghìn chỉ tiêu, các trường cao đẳng tuyển được hơn 74.700/150 nghìn chỉ tiêu.

116 trường đã tuyển đợt 1 được từ 80% chỉ tiêu, trong đó 86 trường đã tuyển đủ chỉ tiêu. Trước những bất cập trong tuyển sinh đợt 1, Bộ đã kịp thời điều chỉnh để tuyển sinh đợt 2 tốt hơn, trong đó quy định các thí sinh không được điều chỉnh nguyện vọng và thời gian tuyển rút ngắn từ 20 ngày xuống 10 ngày. Bộ và các trường đại học đã lập đường dây nóng giải đáp băn khoăn của học sinh.

Ổn định tỷ giá, lãi suất


Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nhìn tổng thể tháng 8 và 8 tháng năm 2015, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục ổn định, chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa, xã hội. Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đây là tiền đề, căn cứ để đưa ra chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 cao hơn năm 2015.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu lên những hạn chế, yếu kém cả chủ quan và khách quan của nền kinh tế mà các bộ, ngành, địa phương cần hết sức lưu ý, trong đó nổi lên là những khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với nông sản; những biến động của tình hình kinh tế quốc tế khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng.

Mỗi biến động của thế giới đều có tác động tức thì và trực tiếp tới nước ta ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, như những biến động về giá dầu, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, các nền kinh tế lớn như Nga, Trung Quốc tăng trưởng thấp… Những biến động, thách thức này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành trong việc nắm sát tình hình; nâng cao năng lực phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định tinh thần chung là nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra từ đầu năm; đây cũng là những hành động thiết thực, cụ thể chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng phụ trách lĩnh vực tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ; phát huy mặt tích cực, hạn chế tối đa mặt tiêu cực; biến thách thức thành cơ hội, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, cần tiếp tục giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa để kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; giữ vững sự ổn định về tỷ giá, lãi suất để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu 10% và nhập siêu chỉ 5%; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, phấn đấu thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất, đi liền với đó là triệt để tiết kiệm chi; đảm bảo cán cân thanh toán cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế, khung pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; phục hồi sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài mạnh hơn nữa; thực hiện quyết liệt các giải pháp về tái cơ kinh tế, trong đó tập trung vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu ngân hàng, đưa nợ xấu xuống dưới 3%, giữ vững sự ổn định hệ thống ngân hàng; tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu nông nghiệp; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; chú trọng các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững; quan tâm tới công tác dạy nghề, phát triển thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ người dân tăng gia phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; không ngừng nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…

Ghi nhận những kết quả tích cực đạt được trong đổi mới về giáo dục-đào tạo thời gian qua, trong đó có đổi mới về thi cử, Thủ tướng cho rằng việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vừa qua cơ bản đạt yêu cầu. Mặc dù còn một số vấn đề ở khâu xét tuyển đại học, cao đẳng đợt I, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm, khắc phục để làm tốt công tác tuyển sinh đợt II và có tổng kết, đánh giá khách quan toàn bộ đợt thi tuyển để năm sau triển khai tốt hơn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, đưa đất nước tiếp tục vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập.

Về định hướng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng tình với mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu, cũng như ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ…; đồng thời cho ý kiến cụ thể về dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2016, trong đó có chỉ tiêu về tăng trưởng, xuất khẩu, đầu tư xã hội, bội chi ngân sách, các chỉ tiêu về môi trường…

Về dự toán ngân sách nhà nước 2016, giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trên tinh thần bối cảnh, dự báo năm 2016 tăng trưởng sẽ cao hơn, hiệu quả nền kinh tế tốt hơn, thu nội địa tăng lên, vì vậy việc thu ngân sách nhà nước năm 2016 không thể thấp hơn so với năm 2015.

Thủ tướng đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì họp với các bộ, ngành chức năng rà soát, tính toán kỹ lưỡng, xây dựng dự toán ngân sách cho năm 2016, giai đoạn 2016-2020, một cách khoa học, có cơ sở, căn cứ, sát với thực tế để báo cáo Trung ương xem xét; phải bán bớt phần vốn nhà nước trong các Tập đoàn, Tổng công ty, giảm chi hành chính, chi thường xuyên, có tính toán đến việc tăng lương tối thiểu.

Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tiếp tục rà soát lại tổng mức đầu tư cụ thể trong trung hạn để làm khung căn cứ trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí đã đề ra. Chi sự nghiệp cũng phải nằm trong kế hoạch trung hạn.

Liên quan đến chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các chương trình mục tiêu đã thống nhất. Theo đó, về chương trình mục tiêu quốc gia, chính phủ đã nhất trí cao, thu gọn từ 16 chương trình xuống còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

61 chương trình mục tiêu của các bộ, ngành thu gọn xuống còn 21 chương trình. Thủ tướng nêu rõ việc thu gọn các chương trình mục tiêu chỉ là gom lại để lồng ghép các chương trình có chung mục tiêu, nhiệm vụ, chứ không phải là cắt giảm chi; các nhiệm vụ cần phải chi, nhất là chi cho con người là không giảm, chỉ là bỏ những cái trùng dẫm, chồng chéo, kéo dài không phù hợp. Vấn đề còn lại là điều hành, phối hợp, nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu này.

Về phương án xử lý cụ thể đối với mức lương hưu của người có mức lương hưu thấp được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc điều chỉnh tăng thêm cho các đối tượng nghỉ hưu trước tháng 4/1993, phải để Hội đồng Tiền lương, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương nghiên cứu, xem xét trong tổng thể các đối tượng điều chỉnh tiền lương năm 2016, để khi thực hiện có mặt bằng chung, đảm bảo chặt chẽ.

Cũng tại phiên họp, chính phủ đã xem xét, thảo luận về Báo cáo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 cấp quốc gia; Báo cáo tổng kết thí điểm chế định Thừa phát lại; thảo luận về một số dự án luật.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Thủ tướng chủ trì họp phiên Chính phủ thường kỳ tháng 8
Thủ tướng chủ trì họp phiên Chính phủ thường kỳ tháng 8

Ngày 31/8, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN