Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả trong tổ chức diễn tập điều hảnh xả lũ khẩn cấp vừa qua. Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, thể hiện trách nhiệm cao và tinh thần đoàn kết "tương thân tương ái”; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ); thi công đảm bảo an toàn khu sạt trượt đồi ông Tượng, đảm bảo hệ thống lưới điện; đôn đốc thành phố Hòa Bình hoàn thành khu tái định cư 74 hộ làng Vạn Chài; rà soát điểm di dân khẩn cấp; đóng 1 cửa xả đáy để vùng hạ du đảm bảo an toàn sản xuất; các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thăm hỏi, động viên, quan tâm hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai. Riêng về đề xuất hỗ trợ xử lý sạt lở khu vực phía đông đồi ông Tượng, lãnh đạo tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, từ đó đề xuất cụ thể phương án giải quyết vấn đề một cách bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo tính bền vững cao giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống.
Bí thư Tỉnh ủy Hoà Bình, ông Bùi Văn Tỉnh kiến nghị Đoàn công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai. Trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí di dân khẩn cấp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; thực hiện dự án khẩn cấp xử lý sạt lở đất khu vực phía Đông đồi ông Tượng; khu vực tổ 4, phường Thái Bình; tổ 4, 5, 6 phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình và kinh phí khắc phục hư hỏng các công trình giao thông; nâng cấp đê Phú Cường, huyện Kỳ Sơn kết hợp giao thông dài 23km; xây dựng tường chắn sóng bờ trái sông Đà đảm bảo chống lũ cao; lắp đặt thiết bị cảnh báo ở các khu vực có nguy cơ sạt trượt.
Theo báo cáo của tỉnh Hòa Bình, từ đầu tháng 7/2018 do mưa lớn ở thượng nguồn sông Đà, lượng nước về hồ Hòa Bình rất lớn, hiện nay hồ Hòa Bình đang mở 4 cửa xả đáy. Tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, kéo dài trên diện rộng từ ngày 15/7- 21/7 cùng với chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân sinh sống phía hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình. Hiện, toàn tỉnh đã có 1 người chết do sạt lở đất tại xóm Mát, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc và 1 người bị thương nhẹ do đá lăn tại xóm Bưởi, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc; 250 ngôi nhà bị hư hỏng và thiệt hại do mưa lũ tại các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Lương Sơn, Tân Lạc, Lạc Thủy... Đến nay, công tác phòng chống thiên tai vẫn được thực hiện tích cực, chú trọng nhất vào công tác hỗ trợ an sinh, hỗ trợ về nhà ở và tái định cư, khôi phục sản xuất nông nghiệp, khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, di dời an toàn 74 hộ dân làng Vạn Chài ở khu vực hạ lưu nhà máy Thủy điện Hòa Bình về nơi mới an toàn; đối với các hộ dân di dời khẩn cấp đã di dời 100% đến nơi an toàn; các công trình hạ tầng đang được khẩn trương khôi phục để phục vụ sản xuất và đời sống.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Đoàn công tác đã đi thực địa kiểm tra công tác di dân tại 74 hộ dân làng Vạn Chài tại chân cầu Hòa Bình đến nơi tránh lũ an toàn; kiểm tra việc xả lũ tại Thủy điện Hòa Bình; hoạt động thi công chống sạt lở đất đá tại đồi ông Tượng.