Theo báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh, kết quả giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 đến nay đạt 65,8%. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tại 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh là trên 2 tỷ đồng, chỉ đạt 9,74% so với kế hoạch năm 2023.
UBND tỉnh Tây Ninh đã nhận diện được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, quá trình triển khai nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn trong việc cụ thể hóa các nội dung, nhất là tổ chức thực hiện và đánh giá chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh tiếp thu các ý kiến của Đoàn công tác. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đoàn quan tâm, có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc địa phương đang gặp phải, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh một số tiêu chí, chỉ tiêu liên quan đến Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Bên cạnh đó, sớm ban hành quyết định về cơ cấu, tổ chức bộ máy của hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh; xem xét chủ trương để địa phương được chủ động điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án, tiểu dự án nhằm sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn được phân bổ. Trung ương sớm thông tin bố trí vốn sự nghiệp giai đoạn 2024 - 2025 để địa phương chủ động nguồn vốn đối ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đoàn kiểm tra liên ngành ghi nhận kết quả đạt được của tỉnh Tây Ninh và những hạn chế trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trưởng Đoàn kiểm tra đề nghị, UBND tỉnh Tây Ninh theo dõi sát sao tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, báo cáo kịp thời khó khăn, vướng mắc để Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia có hướng xử lý kịp thời. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục giám sát chặt chẽ và tăng cường công tác giải ngân vốn theo đúng tiến độ.
Về công tác truyền thông, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành cho rằng, đây là một trong những việc rất quan trọng, đề nghị tỉnh quan tâm, sâu sát, có trọng tâm hơn trong việc cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền, giúp người dân thêm hiểu và tin tưởng vào đường lối, chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Đồng thời, tỉnh nêu lên khó khăn trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để các bộ, ngành Trung ương xem xét, điều chỉnh kịp thời.
Tỉnh tiếp tục chủ động, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách, quản lý chương trình đảm bảo hiệu quả, đồng bộ và tránh trùng lặp; tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện sai sót, bất cập để có sự điều chỉnh nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của chính sách hỗ trợ phù hợp thực tế địa phương.
Đối với đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đoàn sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia nhằm kịp thời tháo gỡ.