Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, không theo quy luật, nhất là triều cường, bão lũ với cường độ ngày càng gia tăng.
Những tác động trên đã gây ra tình trạng sạt lở bờ biển hàng chục điểm trên hầu hết địa bàn tỉnh Bình Thuận, quy mô ngày càng lớn, xói lở bờ biển ảnh hưởng nặng nề về đời sống kinh tế-xã hội, tạo bức xúc cho nhân dân vùng ven biển. Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Tuy Phong, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết…
Theo báo cáo, do ảnh hưởng của bão số 9 (tháng 11/2018), trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xuất hiện thêm nhiều khu vực bị sạt lở bờ biển rất nghiêm trọng. Cụ thể, tại thành phố Phan Thiết, 3.200m bờ biển phường Hàm Tiến đã bị sạt lở, các khu du lịch ở khu vực này bị sạt lở gần 30m.
Ngoài ra, hơn 40 căn nhà và trên 100 hộ dân ở khu phố B, phường Thanh Hải phải di dời… Tại huyện Tuy Phong, triều cường đã làm sạt lở và sập đổ trên 20 nhà dân; bờ biển xã Vĩnh Tân bị xói lở, chiều dài khoảng 3.800m…
Trên địa bàn thị xã La Gi, tình hình xói lở bờ biển cũng diễn ra nghiêm trọng, tuyến bờ biển xã Tân Tiến bị sạt lở khoảng 1.200m ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống dọc bờ biển…
Theo ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, mặc dù công tác khắc phục, gia cố bảo vệ bờ biển luôn được Chính phủ và tỉnh quan tâm chú trọng bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng đê, kè nhằm bảo vệ các khu dân cư, khu du lịch, cơ sở hạ tầng… góp phần ổn định đời sống nhân dân ven biển.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương nên công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, tái sản xuất của nhân dân còn chậm, nhất là nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ bờ biển.
Hiện Bình Thuận đang bước vào mùa gió Đông Bắc, dự báo tình hình xâm thực, xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng và phức tạp hơn. Vì vậy, tỉnh Bình Thuận kiến nghị với Đoàn công tác sớm báo cáo Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ địa phương nguồn vốn để thực hiện 7 công trình kè chống sạt lở, kè bảo vệ khu dân cư…
Kết thúc buổi làm việc, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: Không riêng ở Bình Thuận, tình trạng sạt lở ở một số địa phương trong cả nước cũng diễn ra phức tạp.
Vì vậy, việc khắc phục tình trạng này là cấp thiết, không thể chậm trễ. Trước những kiến nghị của tỉnh, ông Phan Xuân Dũng ghi nhận và sẽ sớm có báo cáo với Quốc hội để có hướng hỗ trợ tỉnh sớm nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị, tỉnh gấp rút lựa chọn những công trình ưu tiên cấp bách đi cùng với hồ sơ kinh phí, nội dung, biện pháp khắc phục theo thứ tự ưu tiên để các bộ, ngành tập hợp và triển khai theo mức độ. Tỉnh cũng nên nghiên cứu giải pháp kêu gọi xã hội hóa vào xây dựng một số tuyến kè…
Trong ngày 18/12, Đoàn công tác đã đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại các điểm bị xói lở ở thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết và huyện Tuy Phong.