Đó là một trong năm vấn đề "chúng ta cần" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Phát triển bền vững, trong đó giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa phát triển và môi trường, chính là một trong những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội, cũng chính là mục tiêu mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định, kiên trì theo đuổi.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Trong bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định: "Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, tiêu chí để phát triển bền vững...".
Đồng tình với những luận điểm trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về mục tiêu phát triển bền vững, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Nghề cá Việt Nam cho rằng, dưới lăng kính phân tích lý luận, thực tiễn và những bài học kinh nghiệm về giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế -xã hội với bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên và các giá trị văn hóa trên quy mô toàn cầu, rõ ràng cho thấy, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cũng gắn với con đường phát triển bền vững đất nước về cả kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và môi trường. Đó là sự lựa chọn đúng đắn mang tầm vóc chiến lược, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong dài hạn.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, hệ thống các quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, luôn thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt. Đại hội Đảng các nhiệm kỳ thường xuyên tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quan điểm cho phù hợp với bối cảnh phát triển đất nước trong từng giai đoạn và xu thế của thời đại, đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về bảo vệ môi trường.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (1991) đã đề ra phương hướng: "Tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ hiện tại và mai sau".
Ngày 25/6/1998, Chỉ thị số 36/1998/CT-TW về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" được ban hành. Chỉ thị đã nêu lên những quan điểm cơ bản có tính xuyên suốt về sau: "Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004, của Bộ Chính trị, về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định: "Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta", "bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững".
Ngày 3/6/2013, Nghị quyết 24-NQ/TW về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường" được ban hành. Nghị quyết 24 đã xác định rõ: "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước".
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, Bộ Chính trị chỉ đạo sơ kết và ban hành Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", tiếp tục khẳng định "lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu", "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế".
Nghị quyết XIII của Đảng tiếp tục quán triệt quan điểm: "Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường".
Phát triển bền vững là một mục tiêu căn bản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong thực tế, Việt Nam luôn đặt mục tiêu bảo vệ môi trường song hành với mục tiêu phát triển kinh tế. Hằng năm, ngân sách nhà nước dành cho bảo vệ môi trường tăng lên đáng kể.
Nỗ lực bảo vệ ngôi nhà chung toàn cầu
Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam, mà còn là vấn đề khẩn thiết chung của các quốc gia trên toàn cầu. Đặc biệt, trong những thập kỷ gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản. Cùng với quá trình này, chất lượng môi trường cũng đang ngày càng suy giảm đến mức báo động. Những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, sự nóng lên của trái đất và nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa sẽ còn tiếp tục gia tăng, tạo sức ép lớn lên môi trường.
Chính vì vậy, bảo đảm bền vững về môi trường là một trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc đã thông qua tháng 9/2000 và được nhiều quốc gia tích cực hưởng ứng, nỗ lực triển khai thực hiện vì sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc mình, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo vệ ngôi chung toàn cầu.
Tiếp nối những kết quả đạt được trong thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, tháng 9/2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030, hướng đến 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu số 13 về các hành động bảo vệ khí hậu.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 49/166 nước về chỉ số phát triển bền vững (tăng 5 bậc so với bảng xếp hạng năm 2019). Việt Nam có khả năng đạt được 5/17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030, trong đó có mục tiêu 13 về các hành động bảo vệ khí hậu.
Ông Terence D. Jones, quyền Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam thuộc nhóm đầu trong 3 nhóm quốc gia trên thế giới có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Mới đây, trước thời điểm phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh (11/2021), khi đối thoại với hàng trăm lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, theo hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nêu rõ: "Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, không đánh đổi môi trường để theo đuổi tăng trưởng".
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố cam kết của Việt Nam: Đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Những cam kết này hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của nhân loại để lựa chọn mô hình phát triển không gây tổn hại cho thế hệ hôm nay và mai sau và nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Con đường đến mục tiêu đó phải là con đường "xanh", phù hợp xu thế phát triển chung toàn cầu.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi chúc mừng Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong trong các hợp tác đa phương, đi đầu trong chủ trương lấy người dân làm trung tâm, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững ở cả khu vực và trên toàn cầu. Chúng tôi đặc biệt khen ngợi cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao tham vọng và tham gia các nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu. Đã đến lúc phải điều chỉnh lại các chính sách, khung pháp lý, chiến lược, kế hoạch, đầu tư để đạt được những mục tiêu mới này."
Vì một Việt Nam xanh
Với tầm nhìn chiến lược, cách đây hơn 60 năm, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân với nhan đề "Tết trồng cây", phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân ta đã thực hiện Tết trồng cây đầu tiên trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý (1960). Từ đó tới nay, Tết trồng cây đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng hằng năm của các ngành, các cấp và nhân dân ta đã góp phần quan trọng, thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững đất nước.
Để bảo vệ môi trường sống, đa dạng sinh học và hệ sinh thái, góp phần hoàn thành các mục tiêu trồng và bảo vệ rừng, phát triển bền vững, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025".
Đến hết năm 2021, cả nước trồng được 210 triệu cây, đạt 115% kế hoạch. Nhiều mô hình, cách làm hay đã xuất hiện như, từ cuốn sách "Một mẩu rừng cho bạn" của thầy trò Trường Marie Curie Hà Nội đã được bán lấy tiền để góp vào chương trình trồng mới một triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn Mèo Vạc (Hà Giang) giai đoạn 2021-2025.
Hay như dự án VARS, góp 1 cây để có rừng của các cá nhân: Dự án phi lợi nhuận "Trồng và Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh" đã vận động các nguồn lực xã hội để trồng và phục hồi rừng bằng những giống cây bản địa. Năm 2021, dự án đã trồng được 80 ha cây bản địa ở đầu nguồn Sông Gianh, tiếp tục đặt mục tiêu trồng ít nhất 100 ha trong năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình Vì một Việt Nam xanh: Tập đoàn Novaland cam kết trồng 50 triệu cây xanh tại Lâm Đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam trồng mới 30 triệu cây xanh; Tập đoàn điện lực EVN cam kết sẽ trồng trên 1 triệu cây xanh; Công ty cổ phần Than Đèo Nai (Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam) có kế hoạch trồng 1,2 triệu cây đến năm 2025...
Một số địa phương có kết quả tốt trong phong trào trồng cây xanh năm 2021 như: Nghệ An (7,3 triệu cây); Thanh Hóa (5,3 triệu cây); Lâm Đồng (4 triệu cây); Hà Tĩnh (3,3 triệu cây); Quảng Nam (3 triệu cây); Cà Mau (3 triệu cây); Cao Bằng (3 triệu cây)...
Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn trên con đường phát triển của dân tộc. Và mỗi độ Xuân về, mỗi người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc đã tích cực hưởng ứng Tết trồng cây, thể hiện cam kết, trách nhiệm của thế hệ hôm nay gửi cho thế hệ mai sau, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng đất nước mãi xanh tươi, bền vững.