Tỉnh áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg đối với 9 huyện, thành phố là Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Biên, An Minh, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Kiên Hải và Phú Quốc từ ngày 14/9.
Kiên Giang đặt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 20/9 trên cơ sở tập trung mọi nguồn lực để lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 nhằm cắt đứt nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, bảo vệ và kiểm soát thật chắc các “vùng xanh”, cô lập các “vùng đỏ”.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, yêu cầu cơ quan chức năng và các địa phương trong thời gian giãn cách khẩn trương hoàn thành kế hoạch xét nghiệm sàng lọc để xác lập vùng an toàn, đánh giá nguy cơ và có giải pháp phục hồi các hoạt động kinh tế. Hoạt động của các chốt kiểm soát được áp dụng theo từng cấp độ dịch; cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để kịp thời nhắc nhở, xử lý nghiêm vi phạm tụ tập đông người, ra đường không cần thiết…
Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh giao Sở Y tế đánh giá kỹ mức độ nguy cơ, phân tích, nhận định, dự báo chiều hướng kiểm soát dịch chung trên phạm vi toàn tỉnh và đề ra các biện pháp cụ thể trong phòng, chống dịch đối với địa bàn từng cấp xã, huyện, tỉnh; phải có giải pháp kiên quyết, hữu hiệu kéo giảm ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, tiến tới kiểm soát được dịch. Sở Y tế cần thường xuyên theo dõi, đánh giá công tác điều trị ở các tầng và phải đánh giá được nguy cơ tử vong để tăng cường năng lực trong thu dung, điều trị bệnh.
Mặt khác, Sở Y tế cần khẩn trương mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc… phục vụ phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực cho các cơ sở thu dung, điều trị bệnh đi hoạt động; tiếp tục kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn, đúng đối tượng và đảm bảo tiến độ. Sở Y tế cần hướng dẫn cách ly F1 tại nhà, đưa F0 đi điều trị; hỗ trợ thành phố Phú Quốc chuẩn bị về y tế, phòng chống dịch phục vụ đón khách quốc tế.
Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Trung tâm Chỉ huy các cấp phải có kế hoạch phân công cụ thể nhiệm vụ, công tác trực chỉ huy phòng, chống dịch trong suốt ngày đêm. Các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng lòng, góp sức cùng với chính quyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Xã, phường và thị trấn cần huy động, phát huy vai trò tích cực của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Tổ nhân dân tự quản, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm chung tay chống dịch; tiếp tục rà soát và thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tính đến ngày 13/9, Kiên Giang có 3.533 trường hợp mắc COVID-19, trong đó hơn 1.300 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, còn 2.037 bệnh nhân đang được điều trị; có 25 ca tử vong. Có số lượng người mắc COVID-19 cao nhất là thành phố Rạch Giá với 1.522 ca, các huyện Kiên Lương với 474 ca, Châu Thành với 231 ca và thành phố Hà Tiên với 411 ca. Tỉnh Kiên Giang vẫn ở mức nguy cơ rất cao.
Theo Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Đó là một số địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg không nghiêm khắc trong việc quản lý sự di chuyển của người dân và giữ khoản cách an toàn; vẫn còn tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Một số địa phương chưa thật sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt, chưa phát huy vai trò của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng; một bộ phận nhân dân chưa tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch. Tỉnh còn thiếu bác sĩ hồi sức cấp cứu ở các tuyến, nhất là ở các trung tâm y tế được phân công phụ trách khu vực; công tác tuyên truyền phòng, chống dịch còn hạn chế…