Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) trả lời báo chí xung quanh vấn đề đăng ký giữ quốc tịch. |
Theo ông Khanh, do những biến động lịch sử và sự dịch chuyển quốc tế đối với một bộ phận dân cư đã tạo nên tình trạng không rõ ràng về quốc tịch, nhất là đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cũng như một bộ phận người di cư tự do hiện đang sinh sống tại Việt Nam. Năm 2008, một trong những bất cập mà Bộ Tư pháp xác định để đề xuất sửa Luật Quốc tịch 1998 là tình trạng không rõ ràng về quốc tịch của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
"Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, vào thời điểm đó, có hơn 3 triệu người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta vẫn chưa có số liệu thống kê chính xác trong số 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài, bao nhiêu người có quốc tịch nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam, bao nhiêu người còn quốc tịch Việt Nam mà chưa có quốc tịch nước ngoài", ông Khanh cho biết.
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Công Khanh, tới đây, số người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chắc sẽ không nhiều vì phần lớn những người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang có quốc tịch nước ngoài. Luật Quốc tịch ở nhiều nước rất chặt chẽ, chẳng hạn nếu đã mang quốc tịch của nước họ mà vẫn có liên hệ, gắn bó về quyền và nghĩa vụ công dân với nước thứ hai, thì đấy là một trong những dấu hiệu, căn cứ để họ xem xét về quốc tịch cho công dân. "Chính vì lý do này nên những người đồng thời có quốc tịch Việt Nam và nước ngoài phải cân nhắc, lựa chọn", ông Khanh lý giải.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, hiện mới có trên 6.000 người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (trong tổng số 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài) nhưng không rõ trong số này, ai đang có và chưa có quốc tịch nước ngoài. "Nhìn vào các địa bàn thì thầy phần lớn người đã đăng ký giữ quốc tịch chủ yếu ở Pháp, Mỹ, Canada, Úc... Còn những địa bản theo nguyên tắc một quốc tịch thì rất ít người đăng ký. Có lẽ do phần lớn bà con ta ở các nước này chưa được nhập quốc tịch nước sở tại nên nếu không giữ quốc tịch Việt Nam họ sẽ rơi vào tình trạng không quốc tịch, rất bất lợi", Cục trưởng Nguyễn Công Khanh nhấn mạnh.
Trả lời về quan điểm của Bộ Tư pháp trong vấn đề này, ông Khanh cho biết Bộ Tư pháp đang tập trung nghiên cứu nghiêm túc. Các phương án đều được đưa ra, như sửa luật, kéo dài thời gian đăng ký, thậm chí nếu không kịp sửa luật thì kiến nghị phương án ra sao... Tuy nhiên, phương án cuối cùng phải chờ đến chiều thứ năm tuần tới (17/4), khi Bộ trưởng Hà Hùng Cường họp với các bộ ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước thì mới có thể công khai được.
Trao đổi thêm với báo chí, theo Cục trưởng Nguyễn Công Khanh, giải pháp tối ưu là sửa luật Quốc tịch một cách bài bản nhưng việc này cần thời gian. "Còn trước mắt là xin phép Quốc hội gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch. Nếu Quốc hội cho phép, chúng tôi cũng sẽ tính đến những hình thức đăng ký thuận lợi hơn cho bà con, ví dụ như đăng ký qua mạng...", ông Khanh cho biết.
T.Phương