Tại buổi kiểm tra, Trưởng đoàn công tác Phạm Quang Hiệu đề nghị tỉnh Trà Vinh tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Hằng năm, địa phương cần xây dựng, cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế; trong đó, phải lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, để tập trung nguồn lực và mang tính bền vững. Tỉnh cần rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; đồng thời xây dựng phương án ứng phó với cấp độ rủi ro cấp huyện, cấp xã phù hợp; đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, với sự tham gia của người dân, chính quyền, các đơn vị, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang.
Trưởng đoàn công tác Phạm Quang Hiệu lưu ý tỉnh Trà Vinh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai đang thi công trên địa bàn; nhất là các công trình ngăn triều, ngăn mặn, trữ ngọt, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cần chú trọng nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong phòng, chống thiên tai, thông qua các phương tiện thông tin, kể cả mạng xã hội; thường xuyên tổ chức diễn tập các tình huống thiên tai cho lực lượng phòng, chống thiên tai, đặc biệt là lực lượng xung kích cấp xã.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác ghi nhận và cho biết sẽ chuyển cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Tại buổi kiểm tra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 42-CT-TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. UBND tỉnh cũng cụ thể hóa công tác này bằng nhiều kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Hiện, tỉnh Trà Vinh có 34 trạm, điểm đo quan trắc khí tượng, thủy văn phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và các các điểm đo môi trường nước phục vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Tỉnh cũng triển khai một số đề tài nghiên cứu, ứng dựng khoa học - công nghệ trong phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu như: giám sát tàu cá, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo bền vững, thân thiện môi trường; nghiên cứu chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp đặc điểm thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu…
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai hỗ trợ trang thiết bị cho các đội xung kích phòng, chống thiên tai do ngân sách tỉnh hạn hẹp; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai; kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai Dự án hoàn thiện hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh để địa phương chủ động việc phòng hạn hán, xâm nhập mặn; lắp đặt hệ thống camera quan sát, theo dõi, dự báo sớm tình hình sạt lở; hỗ trợ tỉnh mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; đầu tư xây dựng 4 công trình phòng, chống thiên tai, gồm: kè bảo vệ bờ biển, đê bao ngăn triều cường, kè chống sạt lở bờ bao và bờ biển, với tổng kinh phí 1.260 tỷ đồng.