Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường sáng 29/7 biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Phạm Hồng Phong phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN

* Thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014

Phần đầu phiên làm việc buổi sáng, với 82,59% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. Nghị quyết nêu rõ:

Điều 1. Điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2014: Bổ sung 26.169 tỷ đồng (hai mươi sáu nghìn, một trăm sáu mươi chín tỷ đồng) do giải ngân vốn vay ngoài nước ODA tăng vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2014.

Điều 2. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014

1. Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.130.609 tỷ đồng (một triệu, một trăm ba mươi nghìn, sáu trăm linh chín tỷ đồng), bao gồm cả nguồn từ năm 2013 chuyển sang năm 2014, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2013, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.339.489 tỷ đồng (một triệu, ba trăm ba mươi chín nghìn, bốn trăm tám mươi chín tỷ đồng), bao gồm cả 235.506 tỷ đồng (hai trăm ba mươi lăm nghìn, năm trăm linh sáu tỷ đồng) chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015.

3. Bội chi ngân sách nhà nước là 249.362 tỷ đồng (hai trăm bốn mươi chín nghìn, ba trăm sáu mươi hai tỷ đồng), bằng 6,33% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: vay trong nước 196.693 tỷ đồng (một trăm chín mươi sáu nghìn, sáu trăm chín mươi ba tỷ đồng); vay ngoài nước 52.669 tỷ đồng (năm mươi hai nghìn, sáu trăm sáu mươi chín tỷ đồng).

Trước đó, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày đã giải trình một số vấn đề cụ thể được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận chiều hôm qua tại hội trường. Đối với ý kiến cho rằng, công tác xây dựng và giao dự toán ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa dự báo hết các yếu tố phát sinh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đúng như ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, công tác xây dựng và giao dự toán thu ngân sách ở một số địa phương còn chưa tích cực, chưa dự báo và bao quát hết nguồn thu. 

Bên cạnh đó, dự toán chi chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế, do vậy khi thực hiện nhiều khoản chi vượt dự toán (như giải ngân vốn ODA...) hoặc không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí, ảnh hưởng đến cân đối và điều hành của các cấp ngân sách, dẫn đến phải chi chuyển nguồn, nhưng ngược lại, có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí để thực hiện. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán trong những năm tới sát với khả năng thực hiện, nâng cao chất lượng công tác dự báo để bố trí ngân sách tích cực, tránh tình trạng thu, chi ngân sách nhà nước vượt lớn so với dự toán được Quốc hội quyết định.

Đối với các ý kiến cho rằng, chi đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều sai phạm, xảy ra ở hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến đại biểu Quốc hội nêu là xác đáng. Mặc dù công tác điều hành và chấp hành dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2014 tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn; Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để nâng cao hiệu quả chi đầu tư xây dựng cơ bản, ưu tiên bố trí vốn tập trung cho chi trả nợ, hạn chế khởi công dự án mới... nhưng chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 vẫn xảy ra nhiều sai phạm trong hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản còn lớn, nhiều công trình, dự án còn chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, căn cứ vào thực tiễn quyết toán xây dựng cơ bản năm 2014 để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiên quyết khắc phục những hạn chế, tăng cường quản lý nhằm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản.

* Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng 29/7, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,35%. Tín dụng tăng 8,16%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất siêu 1,54 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước tăng 6,1%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,7%; vốn FDI đăng ký đạt 11,3 tỷ USD, vốn thực hiện tăng 15,1%; vốn ODA ký kết mới tăng 61%. GDP tăng 5,52%, trong đó khu vực dịch vụ tăng 6,35% (cùng kỳ tăng 5,86%). 

Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5%. Khách quốc tế tăng 21,3%. Có thêm 439 xã và 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 1.965 xã (chiếm 22% tổng số xã) và 23 đơn vị cấp huyện. Hỗ trợ nhà ở cho trên 15 nghìn gia đình người có công, nâng tổng số lên trên 80 nghìn gia đình. Tạo việc làm cho 762 nghìn người. 

Điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và lương tối thiểu vùng. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng 5,4%, bảo hiểm thất nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối; mạng lưới bệnh viện vệ tinh được mở rộng với 22 bệnh viện hạt nhân và 98 bệnh viện vệ tinh ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, đạt 78,6% (cuối năm 2015 là 75%), đã kết nối mạng 14 nghìn cơ sở y tế toàn quốc....

Đề cập tới những khó khăn, thách thức mà đất nước đang phải đối mặt, Thủ tướng cho biết: Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu ngân sách nhà nước (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006 - 2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018. Việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả. Chỉ số ICOR bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 6,92, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%). Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 1,34 triệu tấn...

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên 8 vấn đề trọng tâm: Lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững; thúc đẩy những lĩnh vực chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế; xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên; giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ. Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý; lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định. Số doanh nghiệp đăng ký mới, doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng cao hơn cùng kỳ. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đạt nhiều kết quả tích cực....

Ủy ban Kinh tế đề cập tới những diễn biến mới, những khó khăn, thách thức xuất hiện trong 6 tháng đầu năm. Diễn biến tình hình kinh tế thế giới tiếp tục giảm đà tăng trưởng; các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016. Theo đánh giá ban đầu, kết quả trưng cầu dân ý việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ tác động đến từng quốc gia và nền kinh tế toàn cầu. Ở nước ta việc đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có thể bị kéo dài do thay đổi một số điều khoản của Hiệp định này.

Ở trong nước, sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển các tỉnh duyên hải miền Trung, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm ở phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân. Các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm như sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo quy chuẩn trong chăn nuôi, trồng trọt; sử dụng phụ gia, hoá chất độc hại trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh lương thực, thực phẩm, đồ uống và kinh doanh dịch vụ còn khá phổ biến. Một vấn đề dư luận hết sức quan tâm về một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, không tạo thêm việc làm, nộp ngân sách nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước.

Bên cạnh việc chủ động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Ủy ban Kinh tế đề xuất tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư; tăng cường giám sát chất lượng, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính phù hợp các đạo luật, pháp lệnh đối với các văn bản hướng dẫn dưới luật. Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật ngân sách, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tiến độ đầu tư, đẩy nhanh việc giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng đã có kế hoạch bố trí vốn của cấp có thẩm quyền...; thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT, điều chỉnh hợp lý biểu phí sử dụng dịch vụ để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Ủy ban cũng đề xuất các giải pháp mang tính lâu dài nhằm phòng chống và giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; triển khai các chính sách và biện pháp cụ thể, đồng bộ phòng, chống hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

Ngay sau khi nghe các báo cáo, các đại biểu Quốc hội thảo luận nội dung này tại hội trường. TTXVN tiếp tục cập nhật nội dung phiên thảo luận về kinh tế-xã hội trong các bản tin tiếp theo.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Giảm chi, thu hồi nợ để bù đắp ngân sách
Giảm chi, thu hồi nợ để bù đắp ngân sách

Tình trạng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm gặp khó khăn, đạt thấp hơn so với dự toán, ngân sách Trung ương giảm, thu không đủ bù chi đang đòi hỏi ngành tài chính phải siết chặt kỷ luật chi, tăng cường thu hồi nợ đọng thuế từ nay tới cuối năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN