Kỷ cương thu chi ngân sách chưa nghiêm

Kỷ cương thu chi ngân sách nhà nước không nghiêm, dẫn tới tình trạng nguồn thu cho ngân sách chưa ổn định, tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế lớn. Về chi ngân sách, chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai quy định, mục đích… Rất nhiều đại biểu Quốc hội đã nhận định như vậy trong phiên thảo luận ở hội trường ngày 29/5 về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.


Kỷ cương bị buông lỏng


Về thu ngân sách, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng: “Các nguồn thu chưa bền vững. Thu chủ yếu là dầu thô, đất đai. Bên cạnh đó, tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế… chưa được giải quyết căn cơ, khiến nguồn thu bị ảnh hưởng. Không biết bao giờ Chính phủ mới khắc phục được tình trạng này, dù báo cáo thẩm tra của QH đã nhiều lần đề xuất”.

 

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


Theo QH, tỷ lệ nợ thuế trên tổng thu ngân sách nhà nước toàn ngành thuế năm 2012 là 8,%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (dưới 5%), trong đó có 12/19 tỉnh hụt thu năm 2012 có mức nợ thuế tăng trên 50% so với năm 2011.


Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho biết: “Công tác kiểm tra, thanh tra thuế chưa khắc phục được tình trạng trốn thuế, thu từ đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, việc chuyển giá, gia lận của các nhà đầu tư nước ngoài... khiến mức nợ đọng thuế lên tới trên 55.000 tỷ đồng. Công tác kiểm tra thanh tra còn ít, việc xử lý chưa đúng quy định của pháp luật là nguyên nhân của tình trạng trên”.


Phần chi ngân sách được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Vì thực tế, trong những năm qua, việc chi ngân sách thường xuyên xảy ra tình trạng lãng phí, sai quy định, không đúng mục đích. Chi đầu tư xây dựng cơ bản thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều.


“Bài ca mua sắm xe công năm nào cũng lặp lại, phổ biến là tình trạng mua quá định mức, nói hoài mà mãi không sửa được. Hay việc huyện nào cũng xây dựng một trung tâm dạy nghề rồi bỏ không, gây lãng phí rất lớn cho đất nước”, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu.

Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.058.140 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.170.924 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước 154.126 tỷ đồng, bằng 4,75% GDP. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước: vay trong nước: 112.283 tỷ đồng; vay ngoài nước: 41.843 tỷ đồng.


Cùng quan điểm trên, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cho biết: “Năm 2012 được cho là khó khăn, các đơn vị đã mua mới trên 1.700 xe ô tô, trị giá mỗi xe hàng tỉ đồng. Do vậy, cần làm rõ việc mua sắm có vi phạm việc chi không. Nếu có thì ai chịu trách nhiệm”.


Theo các đại biểu QH, nhiều hạng mục đã chi sai mục đích nhưng những chương trình lớn liên quan tới an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo lại chi không đạt yêu cầu.


Theo Ủy ban Tài chính- Ngân sách, chi cho chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 là 17.669 tỷ đồng, đạt 88% (giảm 2.437 tỷ đồng) so với dự toán, trong đó có 7/16 chương trình không đạt dự toán được giao, đặc biệt, chương trình khắc phục hậu quả và ô nhiễm môi trường chỉ đạt 27% dự toán.


Cần cơ chế giám sát chặt chẽ


Các đại biểu QH cho rằng, đã đến lúc siết chặt lại kỷ cương thu chi ngân sách, để việc bàn và thảo luận về ngân sách không còn là vấn đề hình thức.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Tình trạng coi kỷ cương tài chính ngân sách diễn ra từ năm này qua năm khác và sai phạm năm nào cũng giống nhau. Việc thu đã thu, việc chi đã chi nên các đại biểu QH bấm nút thông qua chỉ là hình thức”.


Để vấn đề trên đi vào thực chất hơn, ông Lịch nói: “Chúng ta chuẩn bị sửa luật ngân sách nhà nước, cải cách hành chính và một số luật khác liên quan. Chúng ta có những giải quyết căn cơ để việc QH quyết toán ngân sách không còn là vấn đề hình thức”.


Theo ông Lịch: “Cần thay đổi lại hoàn toàn cơ cấu thu chi ngân sách, làm rõ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, các khoản thu, chi và tiến hành thu chi có kỷ cương. Thay đổi quy trình từ lập dự toán ngân sách tới chuẩn chi, ước chi để trình lên QH. Vấn đề nào nằm trong chuẩn mực mới được chi. Những vấn đề vượt ngoài dự toán phải báo cáo Quốc hội mới được thu hoặc chi”.


“Ví dụ, có nước QH chưa thông qua ngân sách thì tiền ăn cho đại biểu cũng không có. Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ. Giám sát ngân sách địa phương là HĐND địa phương chịu trách nhiệm. Ngân sách Trung ương do QH quyết thì Ủy ban Tài chính ngân sách phải giám sát chặt chẽ”, ông Lịch nói.


Theo đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM): “Quyết toán ngân sách 2012 có bàn nhưng sẽ không phải thông qua vì đã chi rồi. Đề nghị QH có chế tài cụ thể trong xử lý vi phạm thu - chi ngân sách, nhất là khi đất nước đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay”.


“Tình hình Biển Đông đòi hỏi chúng ta phải chắt chiu, thắt lưng buộc bụng từng đồng. Vì thế đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh nguồn thu 2014 hợp lý, để đầu tư cho ngư dân, cho chiến lược phát triển biển để tăng nguồn lực bảo vệ chủ quyền”, đại biểu Dung nói.


Hữu Vinh

"Cần chuyển từ ngân sách 'mềm' sang ngân sách 'cứng'"
"Cần chuyển từ ngân sách 'mềm' sang ngân sách 'cứng'"

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN