Theo đại biểu Tôn Long Hiếu, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, hiện nay tại một số cơ sở sản xuất, nước thải được thải ra trong quá trình sản xuất sau khi xử lý được tuần hoàn tái sử dụng để sản xuất nhưng chưa được cơ quan nào đánh giá, xác nhận, nhất là các dự án sản xuất giấy. Đại biểu Tôn Long Hiếu nêu câu hỏi: Trách nhiệm thẩm định, đánh giá hồ sơ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường trong các dự án này đến đâu? Nguyên nhân vì sao trong đánh giá tác động môi trường cho phép tái sử dụng khi chưa được cơ quan chức năng đánh giá, xác nhận chất lượng nước thải được xử lý tuần hoàn?
Có đại biểu cho rằng, trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số cơ sở sản xuất có dây chuyền sản xuất thực tế khác hoàn toàn so với thiết kế theo hồ sơ đã được phê duyệt; phát sinh dây chuyền sản xuất mới nhưng chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường; một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện đảm bảo các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết...
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cũng cho rằng, rác thải là vấn đề "nóng" hiện nay không phải chỉ ở thành phố mà về các vùng nông thôn ở đâu cũng có rác. Về việc xây dựng, quản lý, vận hành các nghĩa trang nhân dân, nhà hỏa táng nên khuyến khích làm một vài trung tâm hỏa táng, đồng thời cần có chính sách vận động nhân dân thực hiện để bảo vệ môi trường bền vững.
Trả lời về các vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đỗ Minh Hải cho biết: Năm 2018, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 84 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do Sở thiếu cán bộ chuyên trách, việc lập kế hoạch kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp không đầy đủ. Trong năm, Sở triển khai 8 đợt thanh tra về môi trường tại 40 đơn vị.
Ông Đỗ Minh Hải thừa nhận: "Số lượng các cuộc thanh tra rất ít so với số lượng các cơ sở cần thanh tra. Chúng tôi sẽ tăng cường xây dựng chương trình trong năm 2019, tăng cường công tác kiểm tra. Đặc biệt là các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng nằm trong danh sách cần phải di dời".
Đối với việc xây dựng, quy hoạch xây dựng nhà hỏa táng, nghĩa trang nhân dân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Quảng Ngãi đã nhiều lần xây dựng các phương án thực hiện xây dựng các nhà hỏa táng, nghĩa trang nhân dân nhưng vẫn chưa làm được. Đơn cử như ở Lý Sơn, đất hẹp người đông nhưng 10 năm chưa làm được nhà hỏa táng. Do đó, để giải quyết vấn đề, Quảng Ngãi cần kêu gọi xã hội hóa, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, vì đây là lĩnh vực tâm linh không thể làm một sớm một chiều được.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính nhìn nhận: Thời gian qua, việc đánh giá tác động môi trường của các cơ quan chức năng đối với các dự án có nơi đánh giá đúng, có nơi thì chưa sát thực tế. Công tác kiểm soát, hậu kiểm không tốt, đa số chỉ dừng lại ở khâu tiền kiểm. Phó Chủ tịch Thường trực UBND cho rằng, tỉnh sẽ có quy phạm, tiền kiểm phải làm kỹ nhưng cũng phải đặc biệt quan tâm công tác hậu kiểm, phải kiểm soát. Sở Tài nguyên và Môi trường cần ra “tối hậu thư”, đóng cửa các cơ sở sản xuất nếu vi phạm về môi trường.
Đối với lĩnh vực y tế, các đại biểu đã tập trung chất vấn lãnh đạo ngành Y tế về thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh, nhất là cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế ở các cơ sở y tế khám, chữa bệnh của Nhà nước còn chậm; chất lượng khám, chữa bệnh còn thấp; tinh thần, thái độ phục vụ của y, bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của ngành đề ra về y đức, dẫn đến bệnh nhân thiếu tin tưởng, nhiều người phải đi khám, chữa bệnh ở ngoài tỉnh. Tại Quảng Ngãi, một số trường hợp đáng tiếc, một phần nguyên nhân do trình độ chuyên môn, trách nhiệm của nhân viên y tế, gây ảnh hưởng xấu trong dự luận, làm cho người dân không tin tưởng vào các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh…