Cử tri Đậu Thị Minh cho biết, sách giáo khoa hiện nay in rõ, đẹp nhưng giá cao. Vào năm học, phụ huynh tốn rất nhiều chi phí. Mỗi học sinh Tiểu học giờ phải mua 2 bộ, một để trên trường, một bộ để ở nhà nên tốn kém. Mỗi trường chọn một bộ sách khác nhau nên khi sử dụng lại sách cũ rất khó. Học sinh khi mất sách rất khó mua, vì các cửa hàng, hiệu sách thường căn cứ số lượng, nội dung dạy của mỗi trường để nhập sách. Cử tri Đậu Thị Minh mong ngành Giáo dục xem xét lại nên sử dụng một bộ kiến thức chung cho bậc Tiểu học, đây cũng là một hình thức tiết kiệm, tránh lãng phí.
Theo cử tri Đậu Thị Minh, hiện giá sách cao, Chính phủ, Quốc hội cần bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được nhà nước định giá, đảm bảo quyền lợi, giúp tiết kiệm cho người dân. Bên cạnh đó, sách giáo khoa giáo dục thể chất là không cần thiết, lãng phí, tốn kém cho phụ huynh, nhất là học sinh lớp 1, 2. Đây là các kỹ năng do giáo viên hướng dẫn cho học sinh. Cần phải giảm bớt những đầu sách không cần thiết để tránh lãng phí, tiết kiệm, giảm gánh nặng cho phụ huynh. Bộ Giáo dục Đào tạo cần quy định đầu sách bắt buộc, hạn chế sách tham khảo. Ngoài ra, các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa để các em có thể mượn, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, giúp các em tiếp cận được sách giáo khoa.
Đồng tình với quyết tâm chống lãng phí của Chính phủ, cử tri Hoàng Đình Chiểu, nguyên phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam ở Kon Tum cho rằng, tại Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, lãng phí đất đai tràn lan, nhất là ở các công ty, nông lâm trường, ban quản lý rừng. Báo chí liên tục phản ánh tình trạng lấn chiếm đất ở các công ty, nông lâm trường mà cơ quan quản lý không có biện pháp để ngăn chặn. Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhưng sự quản lý như hiện nay làm lãng phí tài nguyên đất.
Cử tri Hoàng Đình Chiểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giao lại các diện tích đất bị lấn chiếm, đất trống, đồi trọc cho địa phương quản lý để cấp lại cho dân tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả đất. Ngoài ra, cần phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ và phát triển rừng bằng cách cho dân tham gia trồng dược liệu dưới tán rừng, nhất là trồng sâm Ngọc Linh. Hiện sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế lớn nhưng diện tích rừng nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý trồng sâm Ngọc Linh lại vướng đất rừng phòng hộ ở huyện Đăk Glei.
Theo dõi các chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, cử tri Hoàng Minh Tân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Kon Tum kiến nghị thêm việc thực hiện Nghị quyết Nghị quyết 42/2017/QH14 đã đem lại nhiều khởi sắc trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Sau gần 5 năm, Nghị quyết này đã hỗ trợ ngành Ngân hàng rất nhiều trong vấn đề xử lý các khoản nợ xấu để có điều kiện thu hồi vốn. Tuy nhiên, việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 chỉ là giải pháp tạm thời. Việc xử lý vấn đề cốt lõi của nợ xấu, cần nâng Nghị quyết trên lên thành Luật để người dân, doanh nghiệp và ngành ngân hàng thực hiện theo đúng pháp luật, thượng tôn pháp luật.
Ngoài ra, khi Nghị quyết 42 được kéo dài cũng là tạm thời. Khi triển khai, ngân hàng, doanh nghiệp hay người dân phải chạy theo thời gian (kéo dài) nên khi giải quyết vấn đề, có thể sẽ không giải quyết thấu đáo, chặt chẽ. Khi Nghị quyết lên thành Luật, công việc giải quyết vấn đề nợ xấu sẽ mang tính chất ổn định, lâu dài, thường xuyên và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị theo Luật hóa, tính chất pháp lý sẽ đảm bảo, chất lượng, tốt hơn.