Sáng 6/11, thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh chế độ chính trị; chế định Chủ tịch nước; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường… đã được cơ quan soạn thảo trình tại kỳ họp lần này.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Thống nhất với các nội dung sửa đổi, các đại biểu Quốc hội ở các tổ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp hướng tới tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sửa đổi Hiến pháp cũng phải thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng; đồng thời hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài.
Thống nhất quan điểm sửa đổi quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp để đảm bảo phát huy vai trò, hiệu quả trong lĩnh vực được phân công.
Đại biểu Quốc hội Đặng Văn Hiếu (Thanh Hóa). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các ý kiến thảo luận tại tổ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề nghị cần bổ sung vào Hiến pháp sửa đổi những điều khoản sao cho thể hiện rõ nét hơn nữa nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ của công dân với Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đề nghị quy định rõ trong Hiến pháp sửa đổi lần này việc cơ quan Nhà nước phải công khai mọi thông tin để người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Hiến pháp cũng cần bổ sung nhiều hơn điều khoản thể hiện quyền dân chủ của công dân thông qua việc tổ chức trưng cầu dân ý, bầu cử. Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đánh giá, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có nhiều điểm mới, thể hiện rõ nét hơn những cam kết với quốc tế trong việc đảm bảo quyền con người.
Về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, một số ý kiến đề nghị thay vì quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nên quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo cho phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập quốc tế; đồng thời Hiến pháp cũng cần làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế và vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các ý kiến cũng đề nghị cần bổ sung quy định đối với thành phần kinh tế tư nhân - thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế.
Đề nghị chú trọng đến quyền của cá nhân đối với đất đai - quyền về tài sản, đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, đại biểu Nguyễn Đình Quyền kiến nghị Hiến pháp sửa đổi cần có quy định cụ thể về quyền sử dụng đất là quyền bất khả xâm phạm của người dân.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng kiến nghị cần Hiến định chế độ Kiểm toán độc lập, coi đây là công cụ đắc lực của Nhà nước trong việc giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Góp ý về chế định Chủ tịch nước, hầu hết các ý kiến tán thành với vị trí thống lĩnh lực lượng vũ trang, tuy nhiên cần làm rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao đối với cán bộ, sỹ quan Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; công bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật… Có ý kiến đề nghị cần phân định rõ thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế giữa Chủ tịch nước với Quốc hội.
Đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các từ ngữ, câu chữ, các vấn đề về kỹ thuật xây dựng văn bản, các đại biểu Quốc hội cũng mong muốn những nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sớm được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đề nghị sớm đăng tải dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên báo chí và trên mạng Internet để sao cho tiếp thu càng nhiều ý kiến nhân dân càng tốt. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị, trong quá trình tổ chức lấy ý kiến người dân, đặc biệt phải phát huy vai trò của MTTQ trong việc tập hợp ý kiến đóng góp của nhân dân.
* Chiều 6/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai năm 2003 để khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành.
Nhiều ý kiến đại biểu đề cập việc sửa đổi Luật Đất đai lần này phải giải quyết được các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, qua đó giảm các khiếu kiện về đất đai. Việc sửa đổi góp phần cải cách thủ tục hành chính về đất đai, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai… Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) và nhiều ý kiến khác thể hiện sự nhất trí cao với quan điểm sửa đổi luật lần này là tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Bàn về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), việc này cần làm công khai, minh bạch. Đại biểu dẫn chứng TP Đà Nẵng đã thực hiện công khai cho dân biết thu hồi bao nhiêu đất, đặc biệt là về giá cả, bố trí tái định cư và khai thác quỹ đất… Qua đó, người dân được biết, được bàn và triển khai, kiểm tra trong quá trình thực hiện. Chính nhờ áp dụng nguyên tắc này, tỷ lệ khiếu kiện liên quan đến đất đai của TP Đà Nẵng rất thấp - đại biểu cho biết.
Trao đổi về nội dung giá đất, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề: Luật quy định Nhà nước có quyền định giá đất, nhưng đại biểu đặt câu hỏi giá đất được định trên cơ sở nào? Đại biểu phân tích: Đất đai được xem như loại hàng hóa đặc biệt, do vậy định giá đất trên cơ sở nào là vấn đề lớn cần được nghiên cứu trong lần sửa đổi này. Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cho rằng: Hiện nay khiếu kiện về đất đai còn nhiều là do giá đền bù chưa thỏa đáng; có sự chênh lệch giữa giá của từng địa phương với giá của Nhà nước. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần có chương riêng quy định về công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai.
Quang Vũ - Quỳnh Hoa