Nghiên cứu sửa tên luật
Các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019.
Việc sửa đổi, bổ sung các luật cần thực hiện theo nguyên tắc: Lấy Luật Quy hoạch làm gốc, các luật khác có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Quy hoạch. Các luật khác không quy định lại, quy định trái nội dung đã được quy định tại Luật Quy hoạch; bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ. Bên cạnh đó, bảo đảm thứ bậc của các loại quy hoạch, không quy định cùng một cấp có hai quy hoạch với nội dung và giá trị pháp lý như nhau.
Về tên gọi, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc tên gọi của dự án Luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch” để thống nhất với tên gọi của Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Cho ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực xây dựng (Điều 29 dự thảo Luật), đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một số khu chức năng để tránh việc điều chỉnh, bổ sung sau này như khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia… Từng khu chức năng cần gắn với thứ bậc và mức độ quan trọng để tiện cho việc phân cấp, phân quyền quản lý quy hoạch. Ví dụ, khu di tích quốc gia, khu thể thao quốc gia khác với khu di tích cấp tỉnh, khu thể thao cấp tỉnh.
Có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ pháp luật chuyên ngành nào sẽ được áp dụng đối với quy hoạch cho các khu vực vừa có chức năng du lịch, vừa có chức năng di sản, cần được bảo tồn, vừa là danh lam, thắng cảnh là những khu vực dựa trên lợi thế đặc thù về tài nguyên du lịch để lựa chọn hướng phát triển phù hợp.
Nhiều ý kiến khác nhau về tích hợp quy hoạch xây dựng tỉnh với quy hoạch tỉnh
Tại phiên thảo luận, vấn đề có nên tích hợp quy hoạch xây dựng tỉnh với quy hoạch tỉnh hay không được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.
Dự thảo Luật đề xuất các địa phương sẽ thực hiện song song hai hệ thống quy hoạch. Một là quy hoạch tỉnh, nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung cả nước. Hai là quy hoạch xây dựng tỉnh, tức là hệ thống quy hoạch mang tính kỹ thuật và chuyên ngành hơn. Điều này giúp cụ thể hóa các định hướng về không gian và vật thể trên địa bàn. Bên cạnh đề xuất thực hiện song song hai hệ thống, cũng có những ý kiến cho rằng nên tích hợp thành một.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ủng hộ phương án tách biệt hai loại quy hoạch và cho rằng nên để quy hoạch xây dựng tỉnh như một quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành riêng để chi tiết hóa những nội dung phát triển không gian của quy hoạch tỉnh.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) lại cho rằng, nếu dự thảo vẫn có thêm quy hoạch xây dựng tỉnh, các tỉnh sẽ phải lập hai bộ quy hoạch cấp tỉnh. Một là, lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp, gửi Hội đồng thẩm định gồm các thành viên là đại diện các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia để thẩm định. Nếu đạt yêu cầu, Hội đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai là, lập quy hoạch xây dựng tỉnh bằng cách sau khi quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt, UBND các tỉnh chỉ cần ”copy” quy hoạch tỉnh và lược bỏ một số nội dung, đổi tên rồi tự thẩm định lại, phê duyệt sau khi có thống nhất của Bộ Xây dựng. “Như vậy, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt sau khi có phương án thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là một loại “giấy phép con cực to”, làm cản trở dòng chảy quá trình hoạt động quy hoạch ở địa phương, gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng và kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội đất nước”, đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.
Quy định chi tiết hình thức công bố quy hoạch
Liên quan đến việc công bố công khai thông tin quy hoạch, Điều Luật Quy hoạch quy định, chậm nhất 15 ngày kể từ ngày quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, toàn bộ nội dung quy hoạch phải được công bố công khai, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nêu thực tế, người dân, đặc biệt là nhà đầu tư, vì nhiều lý do khác nhau thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận quy hoạch. Nhiều quy hoạch dù được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của luật chuyên ngành, nhưng chưa được công bố công khai, hoặc thậm chí không được công bố công khai. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị dự án Luật cần quy định chi tiết hơn về các hình thức công bố quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch cấp dưới như quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Đối với quy định việc lấy ý kiến về quy hoạch, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết: Trong quy định về lập quy hoạch tại các luật chuyên ngành, như Luật Đất đai 2013, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quản lý Đô thị năm 2009 đều có quy định việc lấy ý kiến trong quá trình lập quy hoạch. Tại khoản 2, Điều 43 Luật Đất đai 2013 đưa ra các quy định về hình thức, nội dung và thời gian lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chính phủ cũng ban hành Nghị định hướng dẫn thêm về nội dung này. Tuy nhiên, các nội dung trong luật mới chú ý đến hình thức, biểu mẫu lấy ý kiến; chưa chú ý đến chủ thể được lấy ý kiến, cụ thể là người dân. Vì thế, dự án Luật cần quy định rõ tiêu chí để xác định đối tượng lấy ý kiến.
"Sự không rõ ràng và minh bạch trong việc lựa chọn người lấy ý kiến là nguyên nhân dẫn tới những mâu thuẫn phát sinh, đặc biệt thời gian gần đây, người có quyền lợi liên quan không được góp ý, thậm chí không được biết về quy hoạch, không nắm rõ vấn đề được đưa ra. Do đó, dự án Luật cần xây dựng một tiêu chí chung để các luật chuyên ngành thống nhất áp dụng trong việc lựa chọn đối tượng, góp ý trong quá trình lập quy hoạch", đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.