Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thông cáo báo chí số 19

Ngày 14/11/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 19 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 14/11. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Buổi sáng Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. 

Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 và tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này, kết quả cụ thể như sau: i)Về Điều 1-Tổng số thu và chi ngân sách trung ương năm 2020 gồm 2 khoản (Một là, tổng số thu ngân sách trung ương, tổng số thu ngân sách địa phương; Hai là, tổng số chi ngân sách trung ương và dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương) đã có 4 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 90.%); trong đó, có 436 đại biểu tán thành (bằng 90.27%). ii) Về Điều 2- Phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 đã có 437 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 90.48%); trong đó, có 434 đại biểu tán thành (bằng 89.86%). iii)Về toàn bộ Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 đã có 440 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91.10%); trong đó, có 437 đại biểu tán thành (bằng 90.48%).

Tiếp theo, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung phiên họp. 

Tại phiên thảo luận có 12 đại biểu phát biểu và 02 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật này. Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật đã phát biểu giải trình và làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm. 

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, các đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và sự cần thiết đưa ra giải pháp xử lý vướng mắc trong quy định của pháp luật liên quan đến hành vi chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, góp phần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Mặt khác, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn, cân nhắc việc sửa đổi Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hay sửa Điều 304 của Bộ luật Hình sự; đồng thời, có ý kiến đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh lý chặt chẽ kỹ thuật văn bản; cần ban hành danh mục vũ khí quân dụng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 

Tại phiên thảo luận đã có 13 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết, sửa đổi, bổ sung Luật và nhiều nội dung được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Tô Lâm đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm. 

Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 20 nội dung chủ yếu nhằm luật hóa quy định về thị thực điện tử mà Quốc hội đang cho thực hiện thí điểm hiện nay. Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu đề nghị: Tiếp tục nghiên cứu kỹ, rà soát sửa đổi toàn diện dự án Luật theo quy trình 2 kỳ họp; việc sửa đổi Luật cần bảo đảm nguyên tắc thống nhất, khả thi, tạo điều kiện cho hội nhập, thu hút đầu tư du lịch, không ảnh hưởng đến an ninh chủ quyền quốc gia; cần rà soát các quy định về cấp thị thực điện tử, các trường hợp chuyển đổi mục đích thị thực, đơn phương miễn thị thực; quy định về kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong việc cấp thị thực và rà soát các quy định về điều kiện mời, bảo lãnh trong cấp thị thực; tổng kết, đánh giá các điều kiện miễn thị thực khi vào các khu kinh tế ven biển; quy định tiêu chí vốn đầu tư so với Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan trong xác định thị thực, tránh lợi dụng hoạt động đầu tư để nhập cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam; điều kiện nâng thời hạn của thẻ tạm trú cho nhà đầu tư từ 5 năm lên 10 năm và đề xuất tăng thời hạn thị thực cho người nước ngoài du lịch tại Việt Nam, nhất là du lịch nghỉ dưỡng dài hạn; rà soát các quy định bảo đảm tính thống nhất với Luật Nhà ở và các luật có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung của dự án Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình và nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo thuyết minh; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp.

Tại phiên thảo luận đã có 15 đại biểu phát biểu và 03 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung như: cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị để thông qua Nghị quyết; tổ chức mô hình về chính quyền đô thị của Hà Nội; tên gọi của Nghị quyết; tên gọi của UBND ở những nơi làm thí điểm; chế độ làm việc của UBND phường ở những nơi làm thí điểm... 

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết phải bảo đảm nguyên tắc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tiễn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, thành phố Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giải trình và báo cáo với Quốc hội.

Thứ sáu, ngày 15/11/2019, buổi sáng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về 02 dự án Luật nêu trên. Buổi chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

TTXVN/Báo Tin tức
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thông cáo báo chí số 18
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thông cáo báo chí số 18

Ngày 13/11/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 18 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN