Trong phiên họp sáng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) với 95,03% đại biểu tán thành; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với 92,96% đại biểu tán thành.
Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Các đại biểu đồng ý với sự cần thiết ban hành dự thảo Luật, đồng thời đề nghị nâng mức phạt tiền tối đa ở tất cả các lĩnh vực, để tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay; đồng thời đảm bảo thực hiện nghiêm mọi hành vi vi phạm hành chính được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Nhiều đại biểu cho rằng, vi phạm hành chính phải được xử lý đến nơi, đến chốn, nếu không thi hành sẽ bị cưỡng chế chứ không phải phạt cho tồn tại. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Liên quan đến bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các đại biểu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không tính toán kỹ, thủ tục không chặt chẽ, đối tượng áp dụng quá rộng không chính xác sẽ dẫn đến khả năng gây ra các thiệt hại của tổ chức, cá nhân lớn hơn nhiều so với yêu cầu bảo đảm thực thi quyết định xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc bổ sung hình thức xử phạt trên là cần thiết để người dân buộc phải nâng cao ý thức, hạn chế vi phạm.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với 92,75% đại biểu tán thành; thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 với 93,17% đại biểu tán thành.
Thời gian còn lại của phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số vấn đề sau: Bảo vệ các thành phần môi trường; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược; đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường và tích hợp giấy phép về môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn; yêu cầu bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực; quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác; ứng phó biến đổi khí hậu; quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường; quan trắc môi trường, thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường và báo cáo môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường; hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về môi trường;…
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, tại phiên họp, các ý kiến thảo luận của đại biểu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trình dự án Luật và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Việc thông qua Luật tại 3 kỳ họp như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội chưa đặt ra mà dựa trên chất lượng hoàn thiện, chuẩn bị dự án Luật này. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, xin ý kiến thêm của các đại biểu Quốc hội về nội dung của dự án Luật này.
Ngày mai 19/6, Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9.