Ngày 2/11, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Bí thư đã họp để xem xét thi hành kỷ luật trong công tác cán bộ đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 – 2016, thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Ông Vũ Huy Hoàng đã bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Công Thương 2011-2016. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Sáng 4/11, trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng cán bộ trong thời gian còn đương chức sai sót, đến khi nghỉ hưu mới phát hiện sẽ phải xử lý và xử lý thật nghiêm. Thực hiện như thế vậy đúng nguyên tắc. Đồng thời với hình thức xử lý trong Đảng, phải có hình thức xử lý tương xứng về mặt chính quyền. Đây là chuyện bình thường và tới đây phải làm. Những người đảng viên đó có chức vụ bên chính quyền, bị kỷ luật Đảng thì bên chính quyền cũng sẽ làm đồng thời để có một hình thức tương đương.
Theo đại biểu, có làm như vậy, khi thông tin những kết quả này, cán bộ, đảng viên, những người hưu trí và cả cử tri và nhân dân cũng đồng tình rất cao. Đây cũng cũng là biện pháp để củng cố và tăng thêm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với chính quyền về tính chất nghiêm minh trong thực thi công việc của mình, về nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Nói về hình thức kỷ luật về mặt chính quyền đối với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đại biểu nhận định phải có lộ trình đánh giá trong quá trình thực hiện công vụ, đến mức độ nào sẽ có hình thức xử lý tương ứng đến đó, phải xem quá trình thực hiện tự phê bình, thành khẩn đến đâu.
Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), việc cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng một cán bộ cấp cao là thể hiện quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc xử lý nghiêm những sai phạm, vi phạm, không loại trừ một ai. Tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là rất quyết liệt, nêu rõ 15 biểu hiện của suy thoái và 8 nội dung của tự diễn biến, tự chuyển hóa, có nghĩa là tất cả những gì thuộc về suy thoái, tự diễn biến đều có tiêu chí đánh giá, từ đó có hình thức kỷ luật phù hợp. Nghị quyết Trung ương 4 lần này có bước chuyển cụ thể hơn, tích cực hơn, quyết liệt hơn so với Nghị quyết Trung ương khóa XI.
Với vai trò là đại biểu Quốc hội, đại biểu Phương cho rằng việc làm của Đảng là đúng hướng, hợp lòng dân và có làm được mạnh, quyết tâm, quyết liệt như vậy mới lấy lại được niềm tin của nhân dân với Đảng, làm như thế Đảng mới mạnh hơn, uy tín của Đảng được nâng cao hơn và vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời gian tới sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực hơn của nhân dân và cán bộ, đảng viên. Về mặt Đảng bao giờ cũng kỷ luật trước sau đó mới đến chính quyền, còn hình thức kỷ luật của chính quyền sẽ tùy vào tình hình thực tế xảy ra.
Ủng hộ cách xử lý này của Ban Bí thư, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho biết, thời gian vừa qua, khi tiếp xúc cử tri, một trong những nội dung được đông đảo cử tri quan tâm là việc chống tham nhũng, tiêu cực và việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Vụ việc tiêu cực ở Bộ Công Thương trong việc bổ nhiệm các cán bộ quản lý báo chí đã nêu được dư luận hết sức quan tâm.
"Với góc độ là đại biểu Quốc hội, tôi rất ủng hộ quyết định của Ban Bí thư. Bởi rõ ràng những sai phạm ở Bộ Công Thương trong việc bổ nhiệm cán bộ như vậy là rất nghiêm trọng. Nó đã ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với cơ quan công quyền hiện của chúng ta. Trước tiên, việc sai phạm đó phải được xử lý một cách nghiêm minh" - đại biểu Thắng chia sẻ quan điểm.
Cũng theo đại biểu Thắng, việc xử lý của Ban Bí thư đối với ông Vũ Huy Hoàng đã thể hiện một thông điệp của Đảng ta là kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực; chống và xử lý những vi phạm trong công tác quản lý. Dù ở cương vị nào, người gây ra sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm với sai phạm của mình.