Lễ hội cũng giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về du lịch Thanh Hoá nhằm thu hút du khách, kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển du lịch, sớm đưa Thanh Hoá trở thành trọng điểm du lịch quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: "Thời gian tới, Thanh Hóa cần chú trọng tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt để tạo ra thương hiệu cho du lịch xứ Thanh. Tỉnh và thành phố Sầm Sơn cần tăng cường thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch đồng thời quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh để tăng sức hấp dẫn với du khách. Thanh Hóa phải phấn đấu trở thành trọng diểm du lịch quốc gia, góp phần cùng cả nước đưa du lịch Việt Nam cơ bản thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020...".
Cũng tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu đã trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Sầm Sơn. Theo đó, thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa có diện tích tự nhiên là 44,94km2, dân số 150.902 người và 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 phường (Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn, Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh) và 3 xã (Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại). Thành phố Sầm Sơn sẽ là đô thị tương hỗ cho thành phố Thanh Hóa và Khu kinh tế Nghi Sơn; hình thành tam giác tăng trưởng thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn - Nghi Sơn.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Quyết định thành lập Thành phố Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Việc trở thành thành phố sẽ là nguồn động viên, cổ vũ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sầm Sơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng Sầm Sơn ngày càng phát triển theo định hướng trở thành 1 trong 12 thành phố du lịch trọng điểm quốc gia, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp của Việt Nam, thành phố biển Sầm Sơn nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 16 km về phía Đông, với nhiều loại hình du lịch như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... kết hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng tiện nghi, văn minh và hiện đại. Năm 2016, Sầm Sơn đón trên 4,1 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt 2.855 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho đại đa số nhân dân trên địa bàn thị xã và các vùng phụ cận...
Nhằm xây dựng Sầm Sơn sớm trở thành thành phố du lịch đẹp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, trước đó thị xã Sầm Sơn đã phối hợp với các đơn vị tư vấn có uy tín và năng lực thực hiện nhiều dự án quy hoạch quan trọng như quy hoạch chung xây dựng thị xã Sầm Sơn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035; quy hoạch chi tiết Khu Du lịch sinh thái Quảng Cư; khu lưu niệm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc...
Đặc biệt, những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh của Sầm Sơn được cải thiện mạnh mẽ, vốn đầu tư tăng nhanh, nhiều dự án lớn được triển khai, thực hiện và đưa vào sử dụng như đường Lý Tự Trọng, đường Hồ Xuân Hương, các tuyến đường theo hướng Đông - Tây khu vực nội thị, Đại lộ nam sông Mã, khu đô thị hai bên bờ sông Đơ, khu dân cư Trung Mới... đã và đang làm thay đổi bộ mặt đô thị Sầm Sơn theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tạo thế và lực cho thị xã phát triển nhanh, bền vững.
Năm 2017, đô thị du lịch Sầm Sơn đang sẵn sàng đón chào vận hội mới với tư cách một thành phố trẻ - năng động và tràn đầy sức sống. "Lễ hội 110 năm Du lịch Sầm Sơn" sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh của Sầm Sơn, của xứ Thanh tới bạn bè trong và ngoài nước.