Những ngày tháng 4 lịch sử cách đây 45 năm, quân và dân tỉnh Khánh Hòa cùng các đơn vị bộ đội chủ lực đã hiệp đồng tiến công nổi dậy, giải phóng quê hương ở đất liền và biển đảo Trường Sa. Chiến công vang dội, hào hùng ấy đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phá “cánh cổng thép”, giải phóng Phố biển
Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột bằng chiến thắng vang dội ngày 10/3/1975, quân chủ lực của ta tiếp tục hành quân theo đường 21 (nay là Quốc lộ 26 nối Đắk Lắk - Khánh Hòa) để tiến xuống Ninh Hòa. Hòng chặn đường tiến công của quân ta, địch đổ Lữ đoàn Dù 3 của Ngụy quân cùng một số lực lượng lập tuyến phòng thủ mạnh tại đèo Phượng Hoàng (nay thuộc thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Chúng gọi đây là “cánh cổng thép”, hy vọng có thể tổ chức lại lực lượng để tái chiếm thủ phủ Tây Nguyên.
Năm nay đã 86 tuổi, Đại tá Nguyễn Quang Lâm, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) vẫn rất minh mẫn khi kể về trận đánh 45 năm trước trên đèo Phượng Hoàng mà ông trực tiếp tham gia chỉ huy. Hồi ức của ông trở lại những ngày 26 - 29/3/1975, khi các đơn vị bộ binh của Sư đoàn 10 được lệnh áp sát, hình thành 4 mũi tấn công địch, hạ quyết tâm đánh bại Lữ đoàn Dù 3 nhằm mở toang “cánh cổng thép” trên đèo Phượng Hoàng. Đêm 29/3, “Đèo Phượng Hoàng đỏ lửa” là hiệu lệnh để các đơn vị bộ binh Sư đoàn 10 tấn công.
Do tính chất "địch cố giữ, ta quyết chiếm" nên trận đánh kéo dài, ác liệt suốt 3 ngày đêm. Đến chiều 1/4/1975, một bộ phận lớn quân địch đã bị tiêu diệt, quân Ngụy đã rệu rã tinh thần, chống đỡ yếu ớt. Chớp lấy thời cơ, Chỉ huy Sư đoàn quyết định mở trận công kích cuối cùng. Tối đó, bộ đội ta dũng mãnh áp đảo quân địch, nhanh chóng chọc thủng hệ thống phòng thủ của địch từ Tây sang Đông, loại khỏi vòng chiến Lữ đoàn Dù 3 với gần 4.000 tên địch, thu về toàn bộ trang thiết bị quân sự của chúng.
Chỉ sau vài ngày, “cánh cổng thép” của địch trên đèo Phượng Hoàng hoàn toàn bị nung chảy, mở toang cửa ngõ cho quân ta tiến về giải phóng đồng bằng. Trong khi toàn bộ Ngụy quân, Ngụy quyền ở Nha Trang - Khánh Hòa rúng động, nhốn nháo thì tinh thần bộ đội của ta tăng lên rất cao.
Sáng 2/4/1975, Sư đoàn 10 tiến vào hiệp đồng với đơn vị địa phương giải phóng Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa). Nhớ lại thời điểm đó, Đại tá Nguyễn Quang Lâm xúc động nói: Địch bỏ chạy hết, Ninh Hòa lúc đó vắng im. Các cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa. Nhân dân ở trong nhà. Mãi cho đến khi cờ giải phóng được treo lên ở trụ sở ngụy quyền, báo hiệu Ninh Hòa đã hoàn toàn thuộc về quân giải phóng, thì dân mới ùa ra đường vẫy chào, tặng nước uống và trái cây cho bộ đội. Các chị, các mẹ nhìn anh em ngậm ngùi khóc làm chúng tôi cũng rơm rớm nước mắt.
Ninh Hòa được giải phóng, là bàn đạp thần tốc để giải phóng toàn bộ tỉnh Khánh Hòa. Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 1930-1975), 17 giờ ngày 2/4/1975, sau khi đánh tan các chốt điểm của địch ở đèo Rọ Tượng, đèo Rù Rì, được sự hướng dẫn của lực lượng cốt cán (do Ban cán sự nội thành cử ra Ninh Hòa đón quân giải phóng), lực lượng binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10 rầm rộ vượt qua cầu Xóm Bóng tiến vào thành phố Nha Trang. Nhân dân từ Đồng Đế đến Nhà Thông tin đã đổ ra đường đón bộ đội cách mạng. Những tiếng hoan hô vang dội, vui mừng khôn xiết. Nhà nhà treo cờ giải phóng, người người cầm cờ trên tay vẫy chào. Trời mưa tầm tã nhưng đồng bào vẫn tấp nập ở hai bên đường nô nức chào mừng đoàn quân giải phóng.
Trong trí nhớ của Đại tá Nguyễn Quang Lâm về Nha Trang thời điểm được giải phóng, thị xã Nha Trang (nay là thành phố) chủ yếu là đồn bốt, công sở, công sự của địch nên khi chúng bỏ chạy, quân ta vào tiếp quản và duy trì trật tự địa bàn. Nha Trang hồi đó nghèo, đơn sơ. Cầu Bóng chật hẹp, lại còn bị địch đánh phá nên công binh phải khắc phục nhiều giờ liền mới đi lại được. Khu vực Chợ Đầm, các trục đường chính như đường Độc Lập (đường Thống Nhất bây giờ) nhà cửa lụp xụp. Trung tâm Văn hóa hội nghị 46 Trần Phú (bây giờ) hồi đó chính là Sở Chỉ huy dã chiến của Quân đoàn 2 Ngụy sau khi bỏ Tây Nguyên để chạy về Nam Trung Bộ.
“Lịch sử 45 năm nhìn lại Nha Trang - Khánh Hòa nay đã thay đổi rất nhiều, song sự kiện 2/4/1975 vẫn là dấu son chói lọi, in đậm trong tâm thức mỗi cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 10. Đó cũng là niềm tự hào của nhiều thế hệ hôm nay và mai sau”, Đại tá Nguyễn Quang Lâm xúc động cho biết.
Đến sáng 3/4/1975, Sư đoàn 10 tổ chức một lực lượng tiến thẳng về Cam Ranh. Chiều cùng ngày, quân ta vào thị xã Cam Ranh và làm chủ hoàn toàn. Ở Cam Ranh, địch hoang mang, bỏ chạy vào Phan Rang. Thời điểm này, địa bàn tỉnh Khánh Hòa trở thành bàn đạp quan trọng để chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử "thẳng tiến" vào Nam. Nhân dân trong tỉnh góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch vô điều kiện, nhất là hậu cần....
“Bộ Tư lệnh tiền phương và Hội đồng chi viện Chiến dịch Hồ Chí Minh của Quân khu V đóng tại Nha Trang đã khen ngợi sự nhiệt tình đóng góp vào thắng lợi chung của nhân dân Nha Trang và cả tỉnh” - trích Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn Hòa (1930-1975).
Giải phóng quần đảo Trường Sa trên Biển Đông
Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đồng thời với việc giải phóng các tỉnh ở đất liền, trong kế hoạch tác chiến chiến lược và chỉ đạo thực hiện, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra nhiệm vụ tiếp quản các đảo trên Biển Đông từ rất sớm. Sau ngày giải phóng trên đất liền, Quân đội đã nhanh chóng phối hợp với Hải quân triển khai lực lượng để tiếp quản.
Thượng sĩ Đinh Quốc Lập, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đoàn 2, Đại đội 5, Trung đoàn 95, Quân khu 5, người trực tiếp tham gia trận đánh tiếp quản đảo Song Tử Tây kể lại: Sau khi Nha Trang được giải phóng, ông được giao nhiệm vụ canh giữ khu vực sân bay Nha Trang, giải phóng Kho xăng dầu tại khu vực Cảng Cầu Đá, tránh tình trạng lực lượng Ngụy quân quay trở lại ném bom kho xăng phá hủy thành phố. Sau hơn 1 tuần, tình hình Nha Trang cơ bản ổn định, đơn vị của ông được cử đi làm nhiệm vụ giải phóng Trường Sa - cách đất liền Khánh Hòa trên 300 hải lý.
Ông Lập cùng hơn 30 chiến sĩ phối hợp với lực lượng Hải quân đi từ Nha Trang ra đảo trên các tàu đánh cá của ngư dân. Thời gian di chuyển đúng 3 ngày 3 đêm. Quân ta lúc đó đóng giả làm ngư dân trên tàu đánh cá nên trong quá trình di chuyển không bị địch phát hiện. Đúng 4 giờ ngày 14/4/1975, ta nổ súng tiến công Ngụy quân trên đảo Song Tử Tây. Địch chống trả yếu ớt, nhanh chóng đầu hàng, một số bỏ chạy theo hướng sang các đảo của Philippines, ta diệt và bắt 33 tên địch. Đến 5 giờ 30 phút cùng ngày, ta kéo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên cột cờ trên đảo, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. “Quân ta giành chiến thắng nhanh gọn nhưng sau đó ta gặp phải khó khăn lớn trong vấn đề nước ngọt, mãi đến ngày 8/5/1975 mới có tàu tiếp tế nước ngọt” - ông Đinh Quốc Lập kể.
Song Tử Tây bị mất, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Địch liền điều thêm lực lượng trong đất liền ra tăng cường phòng ngự cho các đảo còn lại và tìm cách chiếm lại đảo Song Tử Tây. Quân ta tiếp tục củng cố lực lượng, rút kinh nghiệm chiến đấu và nhanh chóng tiếp quản các đảo còn lại.
Chớp thời cơ đó, lúc 0 giờ 30 phút ngày 25/4, ta sử dụng hai tàu 673 và 641 chở lực lượng từ đảo Song Tử Tây đến đảo Sơn Ca. Khi cách đảo Sơn Ca 2 hải lý, lực lượng này được chia làm 3 mũi, chuẩn bị đổ bộ lên đảo. 1 giờ 30 phút, ta đổ bộ xong, bắt đầu trinh sát đảo. 2 giờ 30 phút, ta nổ súng tấn công tiêu diệt địch. Bị đánh bất ngờ, địch chống cự yếu ớt, rồi hốt hoảng bỏ chạy, đầu hàng. 3 giờ ngày 25/4/1975, ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca, tiêu diệt và bắt sống 25 tên địch, tịch thu vũ khí cùng toàn bộ quân trang của chúng.
Sau chiến thắng của quân ta tại hai đảo Song Tử Tây và Sơn Ca, hệ thống phòng thủ của địch trên các đảo bị đe dọa nghiêm trọng. Đảo Nam Yết mặc dù là trung tâm chỉ huy của địch trên quần đảo Trường Sa nhưng chúng cũng không thể kháng cự được. Trước khí thế tiến công như vũ bão của quân giải phóng, chỉ huy quân địch buộc phải rút chạy. Chớp thời cơ, lực lượng của ta nhanh chóng giải phóng đảo. Vào 10 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết.
Sau khi nghe tin quân ta giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, quân địch trên đảo Sinh Tồn đã hoang mang dao động, rút chạy từ sáng 27/4/1975 nên lực lượng ta đổ bộ thuận lợi. Đúng 10 giờ 20 phút ngày 28/4/1975, ta làm chủ đảo hoàn toàn. Đến 9 giờ ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa. Từ đó, đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chiến đấu và trưởng thành bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhờ tinh thần chiến đấu dũng cảm, Thượng sĩ Đinh Quốc Lập đã được kết nạp Đảng ngay sau trận đánh trên quần đảo Trường Sa. Đối với người cựu binh này, đó là một kỉ niệm không bao giờ quên trong cuộc chiến “thần tốc” của quân dân ta giải phóng Nha Trang - Khánh Hòa cách đây tròn 45 năm.
“Tôi nhớ hôm đó, dưới hàng dừa xanh rì trên đảo Song Tử Tây, với lá cờ Đảng được treo ở thân cây dừa, tôi được kết nạp và đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chứng kiến của những đồng đội kề vai sát cánh với mình. Đối với người lính chỉ mới 20 tuổi lúc bấy giờ, đó là vinh hạnh vô cùng lớn, cả đời này không giây phút nào tôi quên” - Thượng sĩ Lập bồi hồi kể.
Bài cuối: Khẳng định vị thế số một khu vực Nam Trung Bộ