Bên kia sông, căn cứ Dốc Miếu rất gần, xa nữa là Cồn Tiên, đồi 31… - những cứ điểm nổi tiếng trên vành đai điện tử mà trước đây chúng tôi chỉ nghe tiếng, vùng đất mà sẽ gắn bó với mỗi người trong những ngày tháng không thể nào quên.
Buổi sáng ấy, đúng vào ngày 1 Tết Nhâm Tý, đầu tháng 2/1972. Ngay ngày đầu năm, chúng tôi đã được thử lửa với đợt pháo kích từ tàu biến bắn dọc sông Hiền Lương trong khi những chiếc máy bay do thám OV10 bay lơ lửng trên đầu. Mọi người đều hiểu khi các hoạt động thăm dò tăng cường, chiến dịch lớn đang đến rất gần. Chúng tôi không có nhiều thời gian chuẩn bị nữa.
Chúng tôi vừa từ Hà Nội vào ít ngày trước. Ngay sau khi đặt chân đến Vĩnh Linh, mấy anh em phóng viên tăng cường cho mặt trận Quảng Trị ở phía Đông đã được Trưởng phân xã Phạm Hoạt cho đi thăm giới tuyến. Những hình ảnh của chuyến đi sẽ được lưu giữ mãi trong cuộc đời mỗi chúng tôi sau này.
Phân xã B Vĩnh Linh thời kỳ ấy đặt trên một quả đồi ở xã Vĩnh Nam, liền bên căn cứ của khu ủy, cách thị trấn Hồ Xá khoảng năm ki lô mét về phía biển. Một căn nhà lá ba gian ẩn dưới những bóng cây. Theo đường trục chính từ Hồ Xá đi Cửa Tùng, đến Vĩnh Nam, rẽ vào qua hai quả đồi là tới. Tôi nhớ những vạt đồi toàn sim. Hoa sim nơi giới tuyến, trong tầm bom đạn vẫn một màu tím bình dị trong nắng gió khô cằn, đem lại một cảm giác bình yên. Sau này, mỗi lần đi công tác về, đi bộ từ phía sông Hiền Lương về Vĩnh Nam, nhìn từ xa đã thấy vạt sim trên đồi và ngôi nhà mái lá thấp thoáng, lòng đã thấy ấm lại với cảm giác sắp về đến nhà, mặc dù còn đi bộ rã chân mới đến nơi. Tôi vẫn nhớ rõ căn nhà lá tuyềnh toàng ấy. Gian phía bên phải từ cửa vào là nơi đặt điện đài, loại 15 oát. Nền nhà được đào sâu xuống khoảng hơn một mét để bảo đảm an toàn cho người và máy. Những trận bom và pháo kich từ tàu biển có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Gian giữa có một bộ bàn ghế gỗ xiêu vẹo và phía bên trái có một chiếc giường cá nhân. Chái bếp nhỏ liền đầu hồi phia bên phải. Gần đó cũng là lối đi xuống nhà hầm.
Những ngày đầu tiên vào tuyến lửa, việc cần làm ngay là làm mới nhà hầm. Quân số đông, để bảo đảm an toàn, bí mật, không thể không có nhà hầm. Bên khu ủy Vĩnh Linh cũng cử một số thợ giúp cùng anh em phân xã xây dựng. Sau chừng mươi ngày, nhà hầm hoàn thành. Hầm đào sâu vào lòng đất, mỗi chiều chừng ba mét, có hai cửa ra vào ở hai phía, một cửa liền với nhà, một cửa thẳng ra phía đồi. Chúng tôi cùng làm khung gỗ để tạo mái, vách và cửa ra vào, sau đó đổ đất và lèn cho chắc. Hầu hết thời gian sau này, chúng tôi đều ngủ trong nhà hầm đó. Người trải chiếu, người mắc võng, tráng phim, in ảnh cũng ở đấy. Phía dưới vạt đồi, có một giếng nước đã được đào từ trước để lấy nước sinh hoạt .
Phân xã ở liền bên khu ủy. Đây là đầu não của cuộc chiến đấu trên đất thép. Anh em phân xã sinh hoạt chung với Ban Tuyên giáo khu, rất gắn bó với báo Thống Nhất và Đài phát thanh. Không ít lần anh em Thông tấn đi công tác cùng với các đồng nghiệp ở Vĩnh Linh. Về hậu cần, phân xã không tổ chức ăn riêng, chỉ nấu nướng lấy khi cần thiết. Hàng ngày, chúng tôi đi qua một đầm nước sang bên kia đồi. Đấy là cơ bếp ăn cho các cơ quan trong khu vực. Hàng ngày báo cơm cho nhà bếp. Đến bữa, anh em sang lấy cơm canh mang về. Trong điều kiện hậu cần ở tuyến lửa, việc ấy cũng đỡ rất nhiều công sức. Nguồn điện cho sinh hoạt và công tác cũng nhận được từ văn phòng khu. Cuộc sống thời chiến thật sự chan chứa tình người. Không có cảm giác người mới vào hay ở đã lâu, người ở cơ quan trung ương hay ở địa phưong. Tất cả đều gần gũi quý mến.
Thời gian chuẩn bị cho chiến dịch không nhiều. Chúng tôi lao vào việc nắm tình hình, không chỉ ở Vĩnh Linh mà cả bên kia giới tuyến, trực thuộc sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Trị. Bởi vì, nhiệm vụ của Phân xã B lúc đó được xác định rất rõ: Ngoài việc phản ánh về Vĩnh Linh như một cơ quan thường trú, trách nhiệm chủ yếu của phân xã là một lực lượng cơ động khi chiến dịch nổ ra, với nhiệm vụ phản ánh về mũi nổi dậy của quân và dân Quảng Trị. Định hướng rất quan trọng cho công tác sau này. Bởi vì khi đó, cơ quan TTXVN cũng cử một lực lượng cơ động đi theo Bộ Tư lệnh mặt trận B5. Mũi này sẽ theo sát các đơn vị chủ lực để phản ánh về hoạt động của bộ đội chủ lực trên chiến trường, nơi một cuộc đụng đầu lịch sử sắp nổ ra.
Về nhân sự, vào tháng 2/72, trước tổng tấn công, Phân xã B Vĩnh Linh do anh Phạm Hoạt làm Phân xã trưởng, với các phóng viên: Phạm Tài Nguyên (ở Vĩnh Linh từ trước cùng anh Hoạt), anh Xuân Lâm, phóng viên ảnh, anh Hồ Bích Sơn, Thông tấn quân sự và tôi. Lái xe có Trương Đại Chiến, điện báo viên có Cù Yến Vũ, Ngô Duy Phùng, hai điện báo viên có kinh nghiệm của tổng xã. Anh Nguyễn Hồng, điện báo viên, do sức khoẻ yếu nên ngay sau Tết đã chuyển ra Hà Nội để điều trị. Sau tổng tiến cộng đợt một, khoảng tháng 4, cơ quan điều bổ sung các phóng viên kỳ cựu, phóng viên tin Lam Thanh, phóng viên ảnh Minh Trường, anh Ngoạn, lái xe, tăng cường cho phân xã. Ở Bộ Tư lệnh B5, ngoài các anh Hứa Kiểm, Vũ Tạo, Nghĩa Dũng Hồng Thụ... của Thông tấn quân sự, cơ quan cử các anh Vũ Tín, phóng viên ảnh, Trương Đức Anh, phóng viên tin cùng một nhóm kỹ thuật tăng cường và hoạt động dưới sự chỉ đạo của Cục Tuyên huấn Mặt trận B5. Cục trưởng khi đó là Thượng tá Cao Bá Đồng.
Anh Phạm Hoạt ở Vĩnh Linh ra Hà Nội đón anh Xuân Lâm, tôi và Trương Đại Chiến ngay trước Tết. Tôi không bao giờ quên không khí chuẩn bị hối hả, gấp gáp trước ngày lên đường. Đấy là chuyến đi xa đầu tiên trong cuộc đời làm báo của tôi sau hai năm đầu làm phóng viên tại Phân xã Hà Tây. Như nhiều bạn bè cùng trang lứa khi đó, chiến trường luôn có sức cuốn hút mãnh liệt đối với chúng tôi, mặc dù mỗi người đều cảm nhận được những ác liệt, hy sinh đang chờ đợi mình. Việc ra chiến trường được coi là lẽ tự nhiên. Tôi không bao giờ quên lễ chia tay nhiều lưu luyến ở trước cửa nhà số 5 Lý Thường Kiệt. Nhiều anh em bạn bè trong cơ quan đưa tiễn. Tổng Biên tập Đào Tùng dặn dò anh em trong tổ về công việc, về tổ chức cuộc sống và thăm hỏi hoàn cảnh gia đình của từng người. Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng xuống tận xe để tiễn anh em. Chỉ còn hơn tuần lễ nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Tý. Một chút tâm tư trong lòng người đi, người ở. Nhưng thời gian đã gấp rồi. Mọi người đều cảm nhận rất rõ ràng là chiến dịch lớn đang đến.
Tôi nhớ mãi chuyến đi dọc miền Bắc đất nước lần ấy. Đây là chuyến đi xa đầu tiên trong cuộc đời, lại qua nhiều vùng đất mà trước đó chỉ đọc trong sách vở. Những dặm dài Hàm Rồng, Đèo Ngang, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Một cuộc sống thời chiến của miền Trung khói lửa cho tôi những ấn tượng rất mạnh. Qua Đèo Ngang, lần đầu tiên tôi gần biển đến thế. Một Đèo Ngang trong thơ bà huyện Thanh Quan vừa gần gũi thân thuộc, vừa mới lạ bất ngờ. Chúng tôi gặp hai tàu chiến của hạm đội 7 đang ở ngoài khơi. Hai chiếc tàu khá gần, mắt thường nhìn thấy rất rõ… Dù kẻ địch lởn vớn ngay trước mặt, nhưng trên quốc lộ, những đoàn xe căng bạt kín mít vẫn nhằm hướng tiền tuyến mà đi. Có những đơn vị hành quân bằng xe tải. Nhiều gương mặt trẻ trung lướt qua. Họ cùng thế hệ với chúng tôi và đang sẵn sàng đi đến nơi thử thách ác liệt nhất đang chờ đợi.
Một cuộc gặp gỡ rất tình cờ trên đường khi chúng tôi dừng chân ở Đèo Ngang. Tổ phóng viên Thông tấn quân sự đi theo Mặt trận B5 cũng đang trên đường hành quân. Một bất ngờ thú vị. Chúng tôi gặp các anh Nghĩa Dũng, Vũ Tạo… và một số anh nữa. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp anh Dũng, anh Tạo, mặc dù trước đó, tôi đã biết tiếng hai phóng viên chiến trường lừng danh này từ những bức ảnh trong chiến dịch Lam Sơn năm 71 hoặc trước đó nữa. Bức ảnh “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” của anh Vũ Tạo đã quen thuộc với nhiều bạn đọc về tư thế của người chiến sĩ cao xạ bảo vệ bầu trời quê hương và cả về tư thế người cầm máy đứng ngang tầm với người chiến sĩ, bất chấp bom rơi đạn nổ kề bên.
Chúng tôi rất vui với cuộc gặp gỡ đó. Tôi vẫn nhớ rõ gương mặt rất bình thản, tự tin của anh Nghĩa Dũng và anh Vũ Tạo. Các anh vào sinh ra tử đã nhiều và điều đó thể hiện trên gương mặt họ. Anh Nghĩa Dũng mặc áo bốn túi, trong là một áo sợi màu phòng không có khuy cài. Năm ấy, mùa đông phía Bắc rất rét và lan cả vào đến miền Trung. Nghĩa Dũng phanh áo khoác, chỉ cho tôi xem một vết ố trên áo sợi rồi nói:
- Đây này, thằng con đái dầm ra cả áo hôm mình về thăm. Vợ bảo giặt, mình bảo khỏi cần, có mùi nước đái càng đỡ nhớ con!
Cái cười của anh khi nó vui nhưng mà đâu đó vẫn thoáng nét buồn… Không ai quen với sự chia ly xa cách, không ai quen với nguy hiểm cả. Có điều, người có bản lĩnh biết thích nghi và đón nhận điều đó với sự bình thản để thêm vững lòng trong lửa đạn, hoàn thành công việc khó khăn của mình.
Lúc chia tay, anh ôm tôi rất chặt như ôm một đứa em trẻ tuổi, chưa nếm mùi trận mạc với lời động viên:
- Cố gắng nhé chú em! Cần nhất là đừng sợ, phải bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh…
Chuyện về chiếc áo có mùi nước đái con của Nghĩa Dũng cứ ám ảnh tôi mãi. Một lình tính mơ hồ trong buổi gặp ấy cứ bám lấy tôi. Đến khi nghe tin anh hy sinh ngay trong đợt tiến công đầu tiên khi đang cùng bộ đội tiến đánh một cao điểm ở phía tây Quảng Trị, tôi đã rất bàng hoàng. Anh em đồng nghiệp vô cùng thương tiếc anh, nhà báo liệt sĩ đầu tiên hy sinh trong tổng tiến công năm 1972 và để lại một tấm gương về lòng quả cảm, vượt gian khổ hy sinh vì sự nghiệp thông tấn. Với riêng tôi, câu chuyện về chiếc áo có mùi nước đái con trai của anh thấm đẫm tình phụ tử, chất nhân văn của một con người trong chiến tranh…
Chúng tôi đón Tết Nhâm Tý ở tuyến lửa một cách đơn sơ nhưng ấm cúng. Khẩu phần thời chiến nơi đất lửa cũng có rượu chanh, mứt tết, trà Hồng Đào, thịt hộp… Một nỗi nhớ nhà, nhớ Hà Nội quay quắt trong tôi. Đêm giao thừa ầm ì tiếng súng dọc vùng giới tuyến, với bầu không khí trực chiến căng thẳng, tôi ra sườn đồi sim, đứng nhìn về phía Bắc và nhớ về những người thân yêu của mình. Tôi nhớ gương mặt trầm tư của bố ngày lên đường. Tôi nhớ mẹ tôi đêm giao thừa năm nào cũng thắp hương cúng tổ tiên trên mảnh sân nhỏ trước nhà với một ngọn đèn dầu nhỏ đặt bên bể nước… Ngày trở về còn xa và những gian nan thử thách đang chờ chúng tôi ở phía trước.
Sau chuyến xuất hành đầu năm ra thăm cầu Hiền Lương, mấy hôm sau, tôi có chuyến đi với Trưởng phân xã Phạm Hoạt về Vĩnh Chấp, Cửa Tùng. Cũng lại là lần đầu tiên tôi đến của sông ấy, một cửa sông nhỏ lẽ ra rất hiền hoà, thân thuộc do sự sắp đặt của lịch sử mà trở thành nơi đất nước chia đôi. Những đồi cát nhỏ trắng dịu, hàng phi lao xanh thẫm, nước biển xanh trong… Không khí chiến tranh vẫn hằn rõ với những chiến hào xe sâu vào lòng đất, những nhà hầm, địa đạo chìm nổi và máy bay do thám lơ lửng trên không suốt đêm ngày để hễ có một dấu hiệu nào của sự sống là ngay lập tức, pháo từ biển, từ các căn cứ bên kia giới tuyến sẽ chụp xuống.
Chúng tôi vào thăm địa đạo, xuống các ngách hầm sâu, nơi trụ ngụ cho sự sống kiên cường trên mảnh đất này. Điều làm tôi bất ngờ là cuộc sống trong các làng hầm vẫn rất gọn gàng, ngăn nắp; có cả nơi hội họp, có giếng nước, có trạm cứu thương; có những đứa trẻ được sinh ra ngay trong những căm hầm này…
Trong sổ tay của mình, tôi ghi mấy câu thơ chợt đến:
Chẳng có bóng cau xoã ngang trời
Những đám mây trôi, các cô gái làng đùa nghịch…
Chỉ mạch nước ngàn đời trong vắt
Giếng giữa lòng địa đạo hầm sâu…
Bài thơ đầu tiên tôi viết ở tuyến lửa, bài “Giếng nước dưới địa đạo”, đăng trên báo Văn Nghệ ít ngày sau đó. Sau này trong một lần hành quân, tình cờ tôi được nghe nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm bài thơ đó trong buổi Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam - Một kỷ niệm rất đẹp về chuyến đi về Cửa Tùng lần ấy.
Bài thơ: GIẾNG NƯỚC DƯỚI ĐỊA ĐẠO
Chẳng có bóng cau xoã ngang trời
Những đám mây trôi các cô gái làng đùa nghịch
Chỉ mạch nước ngàn đời trong vắt
Giếng nước giữa lòng địa đạo hầm sâu
Cội nguồn nước tận đâu
Mà mắt đất mở ra lúc nào cũng long lanh thế
Cũng cái gầu đứt dây rơi xuống
Biết mượn ai xuống vớt lên
Giếng nước này là nơi mẹ dặn con
Tối nhớ rửa chân tay cho sạch
Lời dặn ân cần như trên mặt đất
Làm con quên không biết ở làng hầm
Giếng nước này là nơi anh và em
Đêm tuần biển về múc lên rửa mặt
Ngẩng nhìn chẳng bóng trăng bát ngát
Chỉ mắt người lung linh
Bom Mỹ không ngừng dội xuống đêm đêm
Pháo biển cày từng vuông cát nhỏ
Địa đạo bình yên trong lòng đất mẹ
Có tiếng cười mặt giếng khẽ rung rinh.
(Còn nữa)