Trời tối muộn tôi mới tới bến sông. Trong khi chờ đò từ bên kia sang, tôi giở gói lương khô vẫn để dành trong ba lô ra ăn. Cửa sông lộng gió. Trời tối dần. Tiếng súng vẫn nổ đâu đó. Pháo biển tăng tốc bắn vào khu vực cửa sông. Bên kia mặt nước ánh bạc chập chờn pháo sáng. Khu tập trung Cửa Việt, trên đất Gio Hải, lờ mờ ánh đèn…
Cả một ngày đi bộ, người mệt rã rời, bụng đói, sức kiệt. Khi tôi lấy được gói lương khô định bóc ăn thì thật đáng buồn. Cả tuần lễ lăn lóc va quệt, dồn xóc, bánh lương khô chỉ cồn là một nắm bột. Tôi cầm trên tay, từng trận gió biển mạnh làm đám bột đó bay lả tả… Lúc ấy, sao tôi cảm thấy thương mình quá! Giá có nắm cơm thì tốt bao nhiêu. Dù sao tôi cũng cố bỏ vài dúm bột đó bảo vào mồm, nhấp ngụm nước cho trôi…
Cái cảm giác một mình kiệt sức, đơn độc trên bến đò Cửa Việt ấy sau này tôi không bao giờ quên được. Tôi học được một điều: Có những khoảnh khắc, phải dùng hết nghị lực, mọi nguồn năng lượng để vượt lên, dẫu phải lê từng bước một khi cái chết rình rập, nếu như mình không muốn trở thành người thất bại!
Tối muộn đò mới sang. Một cô du kích trẻ trung với mũ vải mềm, khăn dù và tài lái xuồng rất điệu nghệ đưa tôi về khu căn cứ của đội du kích bên kia sông. Tôi được ăn cơm, được ngủ một giấc như chết, chả biết gì đến trận pháo bắn suốt đêm trong vùng.
Buổi sáng thức dậy, sau khi làm một bữa no, chia tay đội du kích Cửa Việt, tôi đi bộ một mình về Cửa Tùng. Tôi lấy thêm một khẩu Carbin báng gấp ở kho vũ khí chiến lợi phẩm để phòng khi cần. Một mình một ba lô, súng trên vai, máy ảnh trước ngực, tôi cứ theo mép biển mà đi. Tôi không thể chờ giao liên hoặc ai đi cùng. Vừa mới giải phóng, an ninh chưa có gì đảm bảo. Nhưng chờ đợi sẽ hết thời cơ. Tôi cứ bám theo mép nước, vì cát ướt, không bị mỏi chân. Đấy cũng là con đường ngắn nhất để về Cửa Tùng. Đi sớm sẽ lợi đường và tránh được nắng.
Sau nhiều ngày hành quân, sức tôi cũng đã mệt. Nhưng buổi sáng ấy thật đẹp, nắng chan hòa trên những cồn cát, gió reo trên những hàng phi lao còn nham nhở vết bom đạn. Phía bên trái là đồi 31, xa nữa là Dốc Miếu. Đi về phía Bắc cũng cho một cảm giác gần gũi. Nhưng cảm giác một mình bên biển trong hoàn cảnh đó cũng có chút lo sợ. Tàn quân địch còn sót lại hoặc thám báo, biệt kích có thể xuất hiện. Và một mình giữa vùng cát trắng, biển mênh mông cũng làm cho tôi có cảm giác ngài ngại. Có lúc tôi chợt nghĩ, giá lúc này, từ dưới biển đột nhiên hiện lên một con quái vật thì mình chẳng biết chạy đi đâu. Rồi những lo toan về công việc cũng chiếm lấy tôi. Tôi nghĩ về bài báo cần phải viết như thế nào, bố cục ra sao, những chi tiết gì nên đưa vào. Những suy nghĩ ấy làm cho tôi quên bớt đường xa và sự mệt mỏi.
Đến gần trưa, những đồi cát Cửa Tùng đã ở trước mặt. Tôi gặp một đơn vị cao xạ đang đóng quân ở đó, toàn lính Bắc, rất vui vẻ. Khi biết là nhà báo ở phía trong vừa ra, anh em quây lấy hỏi thăm. Tôi được đãi một bát to cháo đậu xanh với đường. Có lẽ chưa bao giờ trong đời, tôi được ăn một bát cháo ngon như vậy!
Chiều đó, tôi theo đò ngang Cửa Tùng rồi mải mốt đi bộ về Vĩnh Nam. Từ xa, khi nhìn thấy quả đồi và con đường đất đỏ băng qua đồi sim, thấy mừng ơi là mừng. Tôi được trở về ngôi nhà với anh em phân xã thân thiết như gia đình của mình. Anh Phạm Hoạt và mọi người cũng đều mừng rỡ khi thấy tôi trở về vì trong chiến tranh, không ai có thể nói trước điều gì.
Ngay tối hôm đó, sau khi báo cáo công tác, tôi tranh thủ cùng mọi người tráng phim để chọn ảnh gửi ra Hà Nội. Sáng hôm sau, tôi cặm cụi viết bài “Bích La Đông giải phóng” với những tình cảm còn vẹn nguyện về một làng quê giải phóng và đang xây dựng chính quyền cách mạng. Bài viết đó sau khi gửi ra Hà Nội, cơ quan phát, nhiều báo đăng lại, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đọc rất nhiều lần. Đó là một niềm vui lớn đối với tôi. Một số báo cũng đăng những bức ảnh về Bích La Đông, về Quảng Trị giải phóng của tôi. Điều ấy cũng động viên tôi rất nhiều. Bởi vì, trước khi vào chiến trường, tôi chưa hề chụp một bức ảnh báo chí nào. Thời gian học ở lớp phóng viên khóa 8, các thầy Phú và thầy Khiêm cũng chỉ dạy trong khoảng mươi ngày những nguyên tắc tối thiểu về chụp ảnh và kỹ thuật buồng tối. Khi đó, tôi nhớ rằng lúc đi thực tập, ba người mới có chung một cuộn phim, khi chụp phải tính toán từng kiểu… Nhưng việc dạy chụp ảnh cho phóng viên, dù ít ngày, cũng rất cần thiết. Những kiến thức cơ bản sẽ được học thêm và tích lũy trong thực tiễn công tác. Người phóng viên, dù chuyên về viết, trong những điều kiện cần thiết, nếu biết cầm máy, sẽ nâng cao hiệu quả công việc và trong những tình huống đặc biệt, có thể có những tư liệu quý báu, cần thiết cho thông tin nói chung. Chiếc máy Pratica của Cộng hòa dân chủ Đức được cơ quan trang bị ngày ấy quả thực là phương tiện vô cùng quý báu đối với tôi.
Việc tráng phim, làm ảnh hồi đó trong điều kiện khó khăn nhưng chúng tôi vẫn có cách làm được. Một chiếc đèn pin, cắt một miếng lá chuối phủ lên loa đèn là có thể tráng phim. Hai chiếc bát nhôm đủ để pha thuốc hiện hình và thuốc hãm. Một ngọn đèn dầu nhỏ với cách đếm bằng miệng rất thô sơ cũng có thể giúp cho việc in ảnh cỡ 3x4, còn muốn làm ảnh lớn thì mọi người có sáng kiến khoét một lỗ nhỏ trên nóc hầm, ánh sáng trời chiếu xuống sẽ tạo ra một nguồn sáng giúp cho việc phóng ảnh ra cỡ lớn hơn, tuy việc làm này có phần cầu kỳ và không phải lúc nào cũng làm được. Nhưng nếu ai đã nhìn thấy sự sung sướng của một anh cán bộ, một o du kích… khi được tặng một chiếc ảnh chân dung hoặc nhóm nguời nhỏ xíu trên nền giấy 3x4 ở nơi sự sống và cái chết cách nhau gang tấc mới hiểu hết sự quý giá của những bức ảnh đó. Rất có thể đó là những kỷ niệm ghi lại hình ảnh những người ngày mai sẽ mãi ra đi, hoặc là kỷ vật thiêng liêng cho một người con gái trên trận địa gửi cho gia đình hoặc người yêu của mình!
Phân xã B Vĩnh Linh ngày ấy thật vui. Anh em mỗi người một vẻ nhưng sống gắn bó, chia sẻ như một gia đình. Trưởng phân xã Phạm Hoạt vốn học sư phạm, tác phong cẩn trọng như một nhà giáo, tính tình hiền hòa, điềm đạm. Phạm Tài Nguyên người nhỏ bé, nhưng nhanh nhẹn. Quê anh ở Thanh Oai, Hà Tây cũ, hay kể chuyện quê nghèo đến nỗi người ta hỏi “ăn cơm bữa diếp” (bữa kia) chưa mỗi khi gặp nhau. Xuân Lâm phong thái nhẹ nhàng, chẳng mấy khi nói to, một tính cách có vẻ khác với điều người ta hay nghĩ về nghề cầm máy ảnh của anh. Hồ Bích Sơn nhanh nhẹn và kinh nghiệm trong cuộc sống chiến trường. Trương Đại Chiến lầm lì, gan góc, đặc biệt khi cầm vô lăng qua những cung đường nguy hiểm. Ngô Duy Phùng và Cù Yến Vũ, điện báo viên. Phùng nhỏ con, thật thà, chân chất. Vũ cao gầy, tài hoa, đúng kiểu con trai Hà Nội. Khi hai người làm việc, cứ nghe tiếng ma nip là biết ngay ai đang trong phiên. Tiếng ma nip của Phùng chắc chắn, chậm, rõ ràng. Vũ gõ ma nip như múa, âm nọ nối âm kia, nhịp nhàng một cách tài hoa. Tất nhiên là người nhận ở đầu bên kia cũng phải nhanh không kém để theo kịp tốc độ ấy. Hồi đó, việc phóng viên phải quay máy phát bài về là lẽ đương nhiên, nhất là những bài do mình viết. Để quay được, thường phải có hai người, nhất là phát tin, đặc biệt là bài vì thời gian có khi đến nửa tiếng, một tiếng hoặc lâu hơn. Tất nhiên, nếu bài quá dài, điện báo viên có thể chia ra thành từng phần để phát về tổng xã.
Như tôi đã kể ở trên, sau đợt đầu, tổng xã tăng cường các anh Minh Trường, phóng viên ảnh, Lam Thanh, phóng viên tin, cùng anh Ngoạn, lái xe vào. Sau đợt đầu, Trương Đại Chiến đã lái xe ra Hà Nội, mang phim ảnh kịp thời về chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Anh Ngoạn vào cũng là để đổi quân. Khác với Trương Đại Chiến có phần chừng mực, Ngoạn lái xe táo bạo hơn, có phần hơi liều, nhưng anh em phóng viên cũng thích máu liều ấy của Ngoạn.
Các anh Minh Trường, Lam Thanh là cán bộ lớp trước. Anh Lam Thanh đã là cán bộ phụ trách ở tổng xã, nên đem đến cho anh em phân xã nhiều kinh nghiệm trong công việc. Anh là một người vui tính, thích tranh luận và thường lái câu chuyện sang những vấn đề có tính tổng quát nên mọi người gọi vui là “nhà triết học”. Nhìn anh diễn giải các vấn đề, mắt hơi mơ màng, nhìn vào khoảng không, tay hua lên trong không khí để minh họa, trông anh giống với một giảng viên trong giờ giảng bài hơn là một phóng viên đang ở chiến trường.
Nhà nhiếp ảnh Minh Trường lại là một tuýp người hoàn toàn khác. Anh người Huế, đã từng là chiến sĩ quân báo trong thời chống Pháp, rồi ra Hà Nội tập kết mới chuyển sang làm nhiếp ảnh. Khác với phong cách cầm máy nghiêng về những vẻ đẹp lãng mạn, trong cuộc sống chiến trường, anh là một chiến binh thực sự. Sáng nào anh cũng dậy chạy vòng quanh quả đồi phía sau nhà, đều đặn như một cái máy, chỉ khi đi công tác xa mới chịu ngừng thói quen ấy. Ba lô của anh rất ngăn nắp, được xếp gọn gàng và có đủ mọi thứ cần dùng khi hành quân, từ máy móc, súng ống, bi đông nước… đến cả những chiếc dây mắc võng, bật lửa, gói tăm… Anh còn là một bậc thầy về nhiếp ảnh và kỹ thuật buồng tối. Những ngày ở bên anh, tôi học được rất nhiều về công việc cầm máy. Minh Trường lại là người sống rất tình cảm, tuy có lúc nóng tính. Tôi nhớ mãi một chiều hành quân qua những đồi sim tím, anh kể cho tôi nghe về cuộc đời chiến trận của anh, nỗi ân hận không gặp được ba má anh còn ở lại trong Nam và những mối tình... Anh đọc cả bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan cho tôi nghe.
Tôi nhớ lần đó qua đồi sim, Minh Trường bảo:
- Tao có câu này đố thằng nào đối được. Rồi anh đọc: - Con chim tim tím tìm sim chín!
Mọi người bàn tán. Tôi cũng đưa ra vế đối của mình: - Màu sim tim tím tím con tim!
Minh Trường cười rồi bảo tôi: - Cũng tạm được!
Do điều kiện lúc đó tổ chức theo ngành dọc, bên kia giới tuyến, chúng ta vẫn còn phân xã TTXGP tỉnh Quảng Trị, nằm bên cạnh Tỉnh ủy, trực thuộc TTXGP Trị Thiên Huế. Khi đó, anh Thanh Phong là phân xã trưởng và cũng là phóng viên duy nhất. Các anh Luận và Ngạn là hai điện báo viên. Ngoài ra, còn có hai cậu bé Vân kiều, được đặt tên là Hồ Nhân và Hồ Nghĩa đi theo để giúp quay máy phát và làm các công việc khác. Dù về tổ chức là như vậy, nhưng trên cùng một địa bàn, cùng làm nhiệm vụ, anh em là người nhà, cùng công việc, cùng cơ quan, tình cảm rất gắn bó. Những lần từ Vĩnh Linh sang, chúng tôi đều ghé chỗ anh Phong nếu tiện đường, ăn nghỉ lại, có khi cũng phát bài trực tiếp từ máy của phân xã Quảng Trị.
Anh Thanh Phong là người Quảng Trị gốc, ra Bắc tập kết rồi quay về quê hương từ năm 1966. Anh thuộc lòng địa bàn, hiểu tình hình, gắn bó với mảnh đất này, tính tình anh lại rất cởi mở, thoải mái nên mọi người đều rất quý mến. Anh khi đó độc thân, nghe nói rằng chị Nguyệt, chính trị viên huyện đội Gio Linh rất thương anh… Chuyện đó ở Quảng Trị hồi đó nhiều người biết. Các anh Luận và Ngạn là người miền Bắc, vào công tác tại chiến trường đã nhiều năm, rất dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Các em Hồ Nhân và Hồ Nghĩa, người Vân Kiều, xa buôn làng từ nhỏ để đi với cách mạng, bản tính rất hồn nhiên và vui vẻ, nhiệt tình trong mọi việc.
Ngày ấy ở Vĩnh Nam vui lắm. Anh em đi đâu về rồi quây quần bên nhau, chuyện như pháo rang. Phân xã thường xuyên có khách. Anh Thanh Phong cũng có lúc vòng ra ngoài này. Các anh Nguyễn Sinh, Hồng Khanh ở báo Nhân Dân thường trú trong đó, anh Lê Đức Niệm, tổng biên tập và các bạn bên Báo Thống Nhất, Đài truyền thanh Vĩnh Linh, nhà nhiếp ảnh Sỹ Sô, bạn Văn Lực bên tuyên huấn khu đội… thường xuyên ghé qua. Có dạo anh Trương Đức Anh từ B5 ghé xuống. Cũng từ tuyên huấn B5 có các nhà văn Văn Thảo Nguyên, nhạc sĩ Doãn Nho, nhà phê bình Vương Trí Nhàn của Văn nghệ quân đội. Nhà thơ Trúc Thông, nhà văn Đoàn Minh Tuấn… của Đài Tiếng nói Việt Nam tăng cường cho mặt trận cũng đến ở với phân xã nhiều ngày. Anh em có gì ăn nấy, báo cơm bên bếp khu ủy rồi kiếm gì đó cải thiện thêm. Tình đồng nghiệp nơi chiến trận xa hậu phương làm ấm lòng người.
Tôi nhớ nhất lần phân xã đón đoàn khách quan trọng, đó là đoàn của bác Trần Hữu Dực, khi đó là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, quê ở Triệu Độ, Triệu Phong và bác Lưu Quý Kỳ, Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam… ghé thăm. Đoàn đi vào Trị Thiên, trên đường trở ra đến thăm phân xã. Tôi cùng anh em tham gia quay máy để phát bài của bác Lưu Quý Kỳ với nhan đề “Lửa đạn và đèn nê-ông trên Sông Hương” ra tổng xã. Khi còn học lớp phóng viên khóa 8, tôi đã được nghe bác Kỳ đến giảng bài. Tài năng và kinh nghiệm của một nhà báo bậc thầy ấy đã rất ấn tượng đối với tôi.
Có nhiều câu chuyện không quên khác. Một đêm, giữa đợt một và đợt hai chiến dịch, nhà báo Nguyễn Sinh, người thấp và to ngang, dáng rất kềnh càng lặn lội từ bên Khu ủy sang báo tin: Có tin quân Mỹ sẽ đổ bộ cùng quân Sài Gòn vào Vĩnh Linh, cắt ngang đường tiếp tế cho chiến dịch! Địa điểm đổ bộ chính là nơi chúng tôi đang ở. Đây là một tin mật nhưng hoàn toàn nghiêm chỉnh. Thế là cả đêm mọi người lục xục chuẩn bị. Máy điện đài được tháo ra, xe com măng ca quay sẵn đầu ra ngoài, đồ đạc cá nhân gọn gàng, tài liệu đóng gói… để hễ có lệnh là nhanh chóng di chuyển! Rất may, đến sáng lệnh đó được hủy bỏ, mọi việc lại như thường!
Hồi đó, chúng tôi hay làm việc ở nhà trên, tối lại xuống hầm ngủ. Một đêm, làm việc xong, trời mưa, tôi vừa bước chân ra cửa, lối xuống hầm, chợt thấy một vật mềm mại cuộn ngay cổ chân trái của mình. Một thoáng rùng mình, tôi bật đèn pin soi xuống đất. Thì ra một con rắn lục màu xanh, loại rất độc bị tôi dẫm lên. Rất may là tôi vô tình dẫm đúng đầu của nó, nên con rắn chết luôn. Hú vía. Giá hôm đó tôi dẫm phải đuôi thì thế nào con rắn cũng theo phản xạ tự vệ mà bổ lại thì chắc rất nguy hiểm. Làm sao cấp cứu kịp giữa đêm hôm, lấy đâu ra thuốc giữa khu đồi hẻo lánh thế này… Chắc là trời mưa rắn chui lên tìm vào chỗ khô ráo. Nhiều điều may mắn khác còn đến với tôi trong những ngày gian nan ấy, những nguy hiểm mà khi vượt qua chỉ có thể cảm ơn Trời Phật, tổ tiên, nhờ vào sự may mắn của số phận mới qua được.
Bài thơ: CHUYẾN ĐÒ ĐÊM CỬA VIỆT
Nếu đêm ấy em không kịp đến
Một mình anh đơn độc ở bến đò
Pháo biển bắn dọc theo mép nước
Mặt đất rền bom tọa độ gần xa
Anh không biết điều gì sẽ tới
Sức cạn rồi mình sẽ ra sao
Gói lương khô chỉ còn là bụi cám
Tan tác bay khi gió biển thổi vào
Em hiện ra như từ trong cổ tích
Một mình ngang sông rộng giữa đêm
Mũ tai bèo khăn dù duyên dáng
Súng quàng vai gương mặt sáng dịu dàng
- Eng đi mô răng về muộn rứa?
Út có nghe tiếng súng gọi đò!
Giọng Gio Linh ngọt đằm dễ nhớ
Những thanh âm nghe như thực như mơ
Con đò nhỏ giữa bốn bề sóng nước
Dáng em ngồi vẫn nhẹ nhàng sao
Cái chết đang bủa vây bốn phía
Em vẫn thản nhiên nhẫn nại tay chèo
Bữa cơm ấy ngay trong tầm đại bác
Thịt hộp canh rau nước lá nổ dưới trăng
Giấc ngủ đến sau bao mệt nhọc
Vẫn mơ màng nghe tiếng gọi đò sang
Cuộc đời anh đã trải bao đêm
Giông bão, bình yên, chập chờn ám ảnh
Một chuyến đò mãi dọc theo năm tháng
Đêm Cửa Việt và em hồn hậu những ngày xanh.
(Còn nữa)