Qua diễn văn tại Lễ kỷ niệm và những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, các đại biểu tham dự buổi lễ thêm hiểu về ý nghĩa to lớn của Chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - Ngụy giải phóng dân tộc của quân và dân ta.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã dùng mọi kế sách, bất chấp thủ đoạn nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta bằng các đợt càn quét, tra tấn, giết người rất dã man. Trước sự điên cuồng của kẻ thù, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã ra Nghị quyết 15, chuyển hướng từ đấu tranh chính trị, đòi hiệp thương tổng tuyển cử sang đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ Mỹ - Diệm. Nghị quyết 15 của Đảng đã thổi bùng lên ngọn lửa "Đồng khởi" khắp miền Nam, các tổ chức Đảng, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang được phục hồi và phát triển.
Phong trào cách mạng ở Tiên Phước được đẩy lên một bước mới. Với sự lớn mạnh không ngừng của các lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, tháng 10/1961, lực lượng vũ trang của ta mở chiến dịch "Vượt Sông Tranh" giải phóng Tiên Lãnh - Tiên Ngọc và giành được thắng lợi lớn. Trước tình thế thuận lợi đó, Khu ủy Quân khu V và tỉnh Quảng Nam nhận định, nếu giải phóng được Sơn - Cẩm - Hà sẽ là bàn đạp phát triển vùng giải phóng ra hướng Tây của huyện Thăng Bình, phía Tây huyện Tam Kỳ, một phần huyện Quế Sơn, mở ra hành lang tiến công xuống vùng đồng bằng, trực tiếp uy hiếp tỉnh lỵ và trục đường 1 của địch.
Để thực hiện chủ trương giải phóng Sơn - Cẩm - Hà, Quân khu, Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam chủ trương sử dụng lực lượng gồm: Tiểu đoàn 70, Đại đội độc lập của tỉnh, Trung đội 401, Trung đội 402 và 3 đội công tác của huyện. Đúng 2 giờ ngày 25/9/1962, quân ta tổ chức vượt sông. Đây là chiến dịch vô cùng gian khổ, vừa chủ động tiến công vừa tổ chức đánh địch phản kích nhưng với tinh thần quả cảm, mưu trí và hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, sau một tháng ròng rã, chiến dịch đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn.
Chiến dịch "Vượt Sông Tiên" thắng lợi, giải phóng Sơn - Cẩm - Hà với số dân gần 9.000 người, mở ra một địa bàn rộng lớn, phá tan tuyến phòng thủ của địch, bước đầu đập tan âm mưu dồn dân vào ấp chiến lược của địch. Các lực lượng vũ trang, đội công tác đã trụ vững và bám sát địa bàn, phát triển cơ sở cách mạng, xây dựng và thành lập 2 Chi bộ Đảng, thành lập Mặt trận và Ủy ban tự quản xã, phát động nhân dân xây dựng làng chiến đấu, diệt ác, trừ gian, phát triển thêm 163 du kích, huy động thanh niên bổ sung vào lực lượng vũ trang của huyện từ 3 Trung đội lên 4 Trung đội. Thực lực cách mạng của ta không ngừng lớn mạnh, tạo tiền đề quan trọng cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân Tiên Phước nói chung và 3 xã Sơn - Cẩm - Hà nói riêng phải gánh chịu những hậu quả chiến tranh rất nặng nề. Bằng trí tuệ và công sức của mình, nhân dân Sơn - Cẩm - Hà đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết một lòng, cần cù sáng tạo, vượt qua khó khăn, tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới.
Từ chỗ là vùng trắng, trắng dân, trắng đất, trắng vườn trong những năm chiến tranh, Sơn - Cẩm - Hà đã hồi sinh, phát triển nhanh và trở thành vùng kinh tế năng động nhất của huyện. Các tuyến giao thông huyết mạch của huyện nối liền các xã Kỳ - Châu nối Sơn - Cẩm - Hà đã và đang được mở rộng thênh thang; các tuyến liên thôn, liên xã thông suốt, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh hoạt và đời sống của nhân dân. Giao thông phát triển, mở ra những thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại...
Số hộ nghèo giảm nhanh, tỷ lệ bình quân ở 3 xã còn dưới 5%; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, hiện nay không dưới 42 triệu đồng/người. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng được nâng cao về chất lượng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa của nhân dân. Các trường học đều được sửa sang, xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhất cho việc đào tạo các thế hệ học sinh hiếu học, chăm ngoan. Các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa luôn được coi trọng và chu đáo; đời sống của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được chăm lo.
Hiện nay, Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà là những xã tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, sớm về đích nông thôn mới và đang được tập trung quyết liệt công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong những năm tới.
Tại lễ kỷ niệm, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, với truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng cùng với tinh thần đoàn kết thống nhất cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, thời gian tới, Tiên Phước sẽ phát triển xứng tầm hơn nữa, tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái gắn với xây dựng bản sắc văn hóa thuần Việt, chú trọng hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn để giáo dục lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân Tiên Phước cho thế hệ hôm nay và mai sau...