Ký ức vượt ngục của một thầy giáo - cựu tù cách mạng Hỏa Lò

Năm nay đã ngoài 90, tai có phần nghễnh ngãng và mắt đã mờ, nhưng cựu tù Hỏa Lò Nguyễn Tiến Hà, hiện là Trưởng Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò, vẫn nhớ như in ký ức một thời thanh niên sôi nổi làm cách mạng.

Giác ngộ cách mạng từ sớm

Ông Nguyễn Tiến Hà, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Tự, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Văn Lâm (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông còn có người anh trai thứ hai là Nguyễn Hữu Văn, đã từng là cận vệ và là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Tạ Quang Chiến (là một trong số 8 người được Bác Hồ đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi).

Ông Nguyễn Tiến Hà từng thi đỗ tú tài từ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Đó cũng chính là những ngày tháng sục sôi cách mạng, ông đã hăng hái gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có một việc công khai: Làm giáo viên truyền bá chữ quốc ngữ cho nhân dân. 

Những năm kháng chiến, với chiếc đèn dầu trong tay, đêm đêm, ông đến Trường “Công ích” nằm trong Ngõ Chùa Liên Phái - Phố Bạch Mai (Hà Nội) để dạy chữ cho người lao động, qua đó giác ngộ, tập hợp họ theo cách mạng.

Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, ông xung phong gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trận đầu tiên, ông và đồng đội chiến đấu, quyết tử trên chiến lũy “Ô Cầu Dền” thuộc Liên khu II, góp phần cùng quân và dân Hà Nội cầm chân địch trong suốt 60 ngày đêm khói lửa, sau đó tạm rút về an toàn khu. Năm 1948, ông được điều động về vùng địch tạm chiếm thuộc nội thành Hà Nội để gây dựng cơ sở với vỏ bọc “giáo sư”, dạy các môn Anh, Pháp, Toán. 

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Tiến Hà chia sẻ về những kỷ niệm hoạt động cách mạng.

“Thông qua việc dạy học, tôi cùng các đồng chí khác đã bồi dưỡng cho nhiều học sinh tinh thần yêu nước, khéo léo vận động học sinh của mình đi theo kháng chiến. Cũng từ đây, tôi chính thức mang tên Nguyễn Tiến Hà, đây là bí danh, gọi chệch của lời thề “Nguyện tiến về Hà Nội” của tôi”, ông Hà kể.

Năm 1949, ông Nguyễn Tiến Hà là cán bộ đại đội của Thành đội Hà Nội, tham gia chỉ huy giải thoát Quận trưởng Công an Đoàn Giáp bị giam ở nhà thương Yecxanh. 

Một năm sau đó, không may, ông bị địch bắt cùng với nhiều sách vở và giấy tờ tùy thân, trong đó có tấm thẻ căn cước giả mang tên Trần Hữu Thỏa (lại một bí danh khác của ông) với nghề nghiệp “Giáo sư”. Ông bị địch đưa về Sở Mật thám tra khảo, hỏi cung…

Từ đây, ông lại tiếp tục có những cuộc đấu tranh trong ngục.

Cuộc vượt ngục bất thành và trường học Hỏa Lò

Tại Sở Mật thám, ông Nguyễn Tiến Hà bị địch tra tấn dã man nhưng ông không hé răng khai nửa lời. Cũng chính tại Sở Mật thám, ông đã cùng một số đồng chí khác tìm cách đào tường vượt ngục.

Nhớ lại những ngày đào tường vượt ngục, ông Hà không khỏi xúc động: “Sau ít ngày quan sát địa hình trong và ngoài nhà giam, đồng thời theo dõi quy luật tuần tra canh gác của bọn lính canh, mật vụ, chúng tôi lập kế hoạch vượt ngục. Trước hết phải đào tường chui ra, ra được bên ngoài thì phải vượt được hai bức tường để thoát ra ngõ Liên Trì".

Qua đường dây người nhà tiếp tế cho tù nhân, ông gửi mật thư báo cáo với Ban Chỉ huy Mặt trận quân sự nội thành đề nghị khi trốn về đến một xã ngoại thành thì cho người đưa ra khu căn cứ. Kế hoạch được chấp nhận.

Ông và đồng đội bắt tay vào thực hiện ngay, moi, đào liên tục khoảng 4-5 đêm thì xong. Một đêm tối cuối tháng 8 âm lịch (năm 1950), họ khởi sự. Khoảng nửa đêm, ông dậy trước, hoàn tất giai đoạn cuối cùng khoét thủng tường, tạo một lỗ hổng vừa một người chui lọt.

Video ông Nguyễn Tiến Hà chia sẻ về dạy học trong tù Hỏa Lò:

"Tôi chui đầu ra đầu tiên, kéo theo một tấm chăn mỏng. Như có lò xo, tôi bật lên chiếc thùng phuy kê sát tường đã nhằm trước, chớp nhoáng tung chăn phủ lên hàng rào dây thép gai có điện, liệng người qua đường sang phía Sở Mật thám liên bang, lao về phía trước. Như được tiếp thêm một sức mạnh phi thường, tôi vọt qua bức tường thứ hai, nhảy xuống ngõ Liên Trì như kế hoạch đã định”, ông Hà nói.

Nhóm 4 người trốn thoát, nhưng trên đường ra căn cứ, người dẫn đường không thạo đường nên ông Hà cùng 3 đồng chí đã bị địch vây bắt trở lại. Lần này, ông phải chịu những trận đòn tra tấn tàn bạo hơn gấp nhiều lần hòng bắt ông phải khai, nhưng người chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy vẫn không hé răng nửa lời.

Ông Hà bị tra tấn dã man, chết ngất ở sở Mật thám. Cuối tháng 12/1950, chúng chuyển ông sang nhà tù Hỏa Lò nhằm phi tang. Nhưng ở đây, nhờ đồng đội chăm sóc, thuốc thang, sức khỏe ông đã dần hồi phục.

Thời gian bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, ông Nguyễn Tiến Hà đã được anh em tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy, sau đó ông còn được cử làm Bí thư chi bộ của Nhà tù. 

“Chi bộ Đảng ra đời đã mở ra một giai đoạn mới. Được sự chỉ đạo của Quận ủy nội thành, chi bộ đã lập một mặt trận ngay trong sào huyệt ngục tù của kẻ địch. Chi bộ và các tổ Đảng đã vận động quần chúng đồng loạt mở cuộc đấu tranh, “lật đổ chính quyền” ở các trại. Cuộc đấu tranh thắng lợi, tạo ra không khí phấn khởi, tin tưởng trong các đảng viên, quần chúng”, ông Hà kể lại.

Không những chỉ huy đấu tranh, ông Hà còn tích cực tham gia tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ và cũng là thầy giáo trong các lớp đó.

“Mọi người hay gọi tôi thầy giáo hay thầy Hiệu trưởng. Nhờ được học tập tại các lớp học trong Hỏa Lò mà sau khi thoát khỏi nhà tù, nhiều anh em đã có thêm kiến thức và năng lực công tác để phục vụ cách mạng; nhiều người trong số họ lại tiếp tục học tập lên cao, trở thành kỹ sư, bác sỹ hay những nhà sư phạm…”, ông Hà cho hay.

Cuối năm 1952, khi không thể kết án, kẻ địch trả tự do cho ông Hà sau gần 3 năm giam trong nhà tù. Ngay sau khi ra khỏi tù, ông tìm cách bắt liên lạc với đơn vị, hoạt động bán công khai với danh xưng Giáo sư Trần Hữu Thỏa. 

Kể từ đó, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng gắn với sự nghiệp giáo dục. Trước khi nghỉ hưu, ông là chuyên viên cao cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng 75 năm Quốc khánh 2/9
Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng 75 năm Quốc khánh 2/9

Những ngày này, khắp phố phường của Thủ đô Hà Nội được trang hoàng rực rỡ cờ, hoa, băng rôn, áp phích… chào mừng 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN