Tại Kỳ họp thứ 5, từ ngày 6/6 đến sáng 8/6 (2,5 ngày), Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn các vấn đề thuộc 4 lĩnh vực: Lao động - Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Giao thông Vận tải và Dân tộc.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, các vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Trong đó, nhiều vấn đề rất "nóng", đang tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế như: công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần…
Đây đều là những vấn đề lớn ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của nhân dân. Vì vậy, đại biểu kỳ vọng, các Bộ trưởng sẽ trả lời thẳng thắn, đúng và trúng các vấn đề, qua đó sẽ nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu trong các lĩnh vực có liên quan, đồng thời gợi mở giải pháp để tháo gỡ các bất cập đang tồn tại, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, các vấn đề về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội sẽ được đông đảo cử tri quan tâm nhất. Bởi vì đây là lĩnh vực rất rộng, bao trùm đời sống và gắn với các quyền lợi thiết thân của tất cả người lao động.
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu nhận thấy, một trong các vấn đề đang tồn tại khá phổ biến tại các doanh nghiệp đó là tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Một khía cạnh khác có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đó là tốc độ tăng năng suất lao động của nước ta vẫn còn khá chậm. Đã 2 năm liên tiếp, chúng ta không đạt chỉ tiêu về tăng năng suất lao động do Quốc hội giao. Điều này xuất phát từ rất nhiều các nguyên nhân khác nhau như nguồn nhân lực, định hướng phát triển ngành nghề, khoa học kỹ thuật… Vì vậy, rất cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ để cải thiện vấn đề này, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Về công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn, đại biểu cho rằng, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, chuẩn bị từ sớm, trao đổi với tinh thần xây dựng hỗ trợ, nhất là việc ứng dụng công nghệ cho phiên họp để phiên chất vấn diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả cao.
Đánh giá, nhìn nhận đa chiều, tổng thể
Trao đổi trước thềm phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, 4 nhóm vấn đề được lựa chọn đều là nội dung được cử tri, nhân dân và nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương hết sức quan tâm. Đại biểu bày tỏ tin tưởng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phiên chất vấn sẽ diễn ra thẳng thắn, đúng trọng tâm, rõ giải pháp, tháo gỡ kịp thời những vấn đề “sát sườn” liên quan đến đời sống người dân.
Việc lựa chọn các vấn đề chất vấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện theo đúng các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nội quy kỳ họp Quốc hội và Quy chế Tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội.
Những lĩnh vực và nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn tại Kỳ họp thứ 5 không chỉ thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sự đồng thuận và thống nhất cao của Quốc hội trong lựa chọn từ nhiều vấn đề quan trọng, có cả những vấn đề mang tính thời sự, cả những vấn đề có tính chiến lược, có tác động và ảnh hưởng lớn đến những nỗ lực của cả nước, của các ngành, địa phương trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Hoạt động chất vấn khẳng định một không khí làm việc hết sức dân chủ, khách quan của Quốc hội, vừa đảm bảo tính khoa học vừa đảm bảo tính thực tiễn trong lựa chọn đúng, trúng những lĩnh vực, những vấn đề được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, thể hiện tinh thần làm việc nhất quán, xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “truyền lửa” cho tất cả các đại biểu, đó là “Một Quốc hội đổi mới, chủ động, đồng hành cùng Chính phủ”.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh tin tưởng, với sự chuẩn bị hết sức khoa học, chu đáo, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 sẽ rất sôi động, với nhiều câu hỏi đã được các đại biểu Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, xem xét, nhìn nhận, đánh giá và nêu các vấn đề từ nhiều chiều cạnh khác nhau, cũng như đặt những câu hỏi ở phạm vi rộng hơn để đánh giá, nhìn nhận đa chiều, tổng thể về những lĩnh vực chất vấn.