Đồng chí Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết XIII của Đảng, trong năm 2021, tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở giữ vững, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của cả nước; đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước, tự cân đối ngân sách và có điều tiết nộp về ngân sách trung ương và đến năm 2045 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát huy đổi mới, sáng tạo. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh khởi nghiệp. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tham nhũng. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Năm 2021 Lâm Đồng phấn đấu đạt tổng sản phẩm trong nước (GRDP) (theo giá so sánh 2010) tăng 7% - 8%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,5% - 4,8%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,3% - 7,5%; khu vực dịch vụ tăng 10,2% - 10,5%. Cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 39,7% - 39,9%, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 19,2% - 19,3%, ngành dịch vụ chiếm 40,9% - 41%. GRDP bình quân đầu người khoảng 77,1 - 77,8 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân từ 7% - 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 35,5% - 36% GRDP. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 9.300 tỷ đồng, tăng 5,56% so ước thực hiện năm 2020; trong đó thu từ thuế, phí, lệ phí là 5.540 tỷ đồng, tăng 6,5% so với ước thực hiện năm 2020...
“Bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã xác định tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng”, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, Trần Đức Quận nhấn mạnh.
Thực hiện nghiêm túc các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa” trong nội bộ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Tiếp tục sắp xếp và hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với Đề án vị trí việc làm và tinh giản biên chế. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực, uy tín, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới.
“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp”, đồng chí Trần Đức Quận nhấn mạnh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; xây dựng chính quyền từ tỉnh đến cơ sở “Liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, cán bộ, công chức, viên chức “Liêm chính, năng động, sáng tạo, hết lòng vì nhân dân”. Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân; giữ mối quan hệ máu thịt với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đề ra 4 khâu đột phá. Thứ nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng, nhà nước, xây dựng và thực hiện chính quyền điện tử.
Thứ hai, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại; phát triển du lịch chất lượng cao.
Thứ tư, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, du lịch, công nghệ thông tin - truyền thông, mạng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng số… gắn với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.