Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV:

Làm rõ hơn việc cấp phép ca khúc, quy hoạch bán đảo Sơn Trà

Tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, sáng 14/6, Tư lệnh ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu, đặc biệt là những vấn đề nóng liên quan đến cấp phép những tác phẩm âm nhạc và quy hoạch bán đảo Sơn Trà.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Bài hát không có nội dung trái thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia, không cần phép


Nhìn nhận hơn 40 năm qua, việc cấp phép các bài hát thời Việt Nam Cộng hòa và hải ngoại theo cơ chế xin - cho từng chương trình, từng băng đĩa, từng tác giả là cách làm cửa quyền, gây chậm trễ, tốn kém, tiêu cực và trên thực tế không có hiệu quả, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn về vấn đề này.

Theo đại biểu, đã có ý kiến cho rằng ngành Văn hóa nên lên danh sách các bài hát bị cấm theo quy định pháp luật. Các bài hát ngoài danh sách trên được tự do lưu hành, chỉ cần tôn trọng quyền tác giả, nộp thuế khi kinh doanh; cần cấm thêm sẽ bổ sung vào danh sách này.

Nhiều nhạc sỹ, chuyên gia ủng hộ cách quản lý này, vì phù hợp với mô hình Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, không cản trở nhu cầu chính đáng của người dân, nghệ sỹ, hoạt động phổ biến biểu diễn văn hóa, và toàn hoàn khả thi. Đâu là trở lực của cách làm mới và hợp lý này? Phải chăng nhận thức, năng lực, đạo đức của một số cán bộ làm quản lý văn hóa là nguyên nhân?, đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau khi sự việc xảy ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các cục, vụ liên quan rà soát lại những thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép này.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các thủ tục liên quan đến cấp phép bài hát vừa qua. Tinh thần của Bộ là giảm cấp phép, giảm xin - cho để tạo điều kiện, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tác của văn nghệ sỹ. Bộ sẽ tìm phương cách quản lý mới phù hợp với tình hình hiện nay và quá trình hội nhập quốc tế.

Tranh luận về phần giải đáp này, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng bên cạnh việc cấp phép, điều cần thiết nên cấm những bài hát, vở diễn không phù hợp với đạo đức xã hội, pháp luật Nhà nước, đường lối chính sách của Đảng. Bộ trưởng trả lời sẽ nghiên cứu, làm thế nào giảm bớt cơ chế xin cho nhưng không rõ được cụ thể thế nào?

Theo đại biểu, Bộ không thể thực hiện được thẩm quyền cấp phép theo quy định của Nghị định số 15/2016/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múc nhạc, sân khấu) vì quá nhiều, Bộ trưởng cần trình Chính phủ sửa đổi ngay.

Tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ “tôi hết sức lo âu” khi chúng ta đã hòa bình, thống nhất hơn 40 năm, việc quản lý nhà nước về các ca khúc là cần thiết nhưng Bộ trưởng nói là đang tìm biện pháp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cần đẩy sớm công việc này.

Giải thích rõ hơn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung trái thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm và thời gian sáng tác. Hiện Bộ đang thực hiện các thủ tục về mặt pháp luật để triển khai ý kiến chỉ đạo này, tinh thần chỉ đạo là thông thoáng.

Không để Đà Nẵng tự quyết vấn đề Sơn Trà

Trước phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sáng 14/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp tục giải đáp phần tranh luận với đại biểu Quốc hội về vấn đề Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc có phải Chính phủ để Đà Nẵng tự quyết trong quy hoạch Sơn Trà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chắc chắn không có chuyện này. Nếu Chính phủ để cho Đà Nẵng tự quyết đã không có câu chuyện làm quy hoạch hay không...

Đây là Chính phủ tiếp thu ý kiến và muốn rằng, dù từ trước đến nay Đà Nẵng đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn cần Đà Nẵng chủ động quyết định. Ngoài ra, theo quy định của Luật, quy hoạch, phê duyệt hay bổ sung đều phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp bỏ Sơn Trà ra khỏi danh mục 47 khu du lịch quốc gia cũng phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nói Đà Nẵng cần chủ động là vì vấn đề Sơn Trà cần thống nhất trong Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng. Cả nước đều yêu mến, vì Sơn Trà và chắc chắn nhân dân Đà Nẵng cũng vậy. Nhân dân Đà Nẵng sẽ đóng góp trí tuệ của mình để cùng với với chính quyền địa phương và Chính phủ bảo vệ Sơn Trà tốt hơn.

Bên cạnh đó, do trước đây chưa có quy hoạch du lịch, Đà Nẵng đã chủ động theo thẩm quyền cấp phép các dự án. Khi Đà Nẵng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất quy mô đầu tư là 1.600 phòng, UBND thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị và làm việc với các nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, khi chính quyền Đà Nẵng vào cuộc sẽ có giải pháp tạo sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này trên tinh thần phát triển bền vững. Những yếu tố nào về bền vững chưa chắc chắn bây giờ sẽ để lại”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cử tri hoan nghênh việc Phó Thủ tướng đi thị sát ở bán đảo Sơn Trà và câu trả lời của Phó Thủ tướng đã giúp các đại biểu Quốc hội yên tâm. Nhiều cử tri trên cả nước cũng sẽ yên tâm khi Đà Nẵng cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có giải pháp tối ưu để khai thác các sản phẩm du lịch.

Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số phải nằm trong thể thống nhất

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Chiến chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa đồng bào thiểu số được các đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn)… quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Các đại biểu đánh giá, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trước nguy cơ bị mai một, biến dạng, thậm chí biến mất đang được xem là một nhiệm vụ sống còn đối với những người làm công tác văn hóa.

Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, đặc biệt các loại hình nghệ thuật truyền thống và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, Bộ luôn xác định công tác quản lý bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược, cần phải được thực hiện thường xuyên và lâu dài.

Trong thời gian qua, Bộ đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, xây dựng và triển khai dự án bảo tồn làng bản, buôn truyền thống… Đến nay, 25 làng, bản, buôn của 19 dân tộc như Chăm, Ba Na, Mường, Thái… đã được hỗ trợ đầu tư bảo tồn.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong công tác sưu tầm, bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống, Bộ đã hỗ trợ hướng dẫn các địa phương mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể cho các dân tộc có số dân rất ít người. Các lớp này do chính các nghệ nhân, chủ thể của văn hóa dân tộc, người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy.

Bộ đã và đang triển khai, thực hiện các dự án bảo tồn trang phục truyền thống, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; đề án kiểm kê, sưu tầm, trưng bày di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; định kỳ gặp gỡ già làng, trưởng bản, người có uy tín.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, trong lĩnh vực sáng tác, Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh hoạt động sáng tác, sưu tầm, phổ biến, lan tỏa rộng rãi đến công chúng nhiều tác phẩm chất lượng, phản ánh chân thực về cuộc sống, con người, văn hóa, nghệ thuật truyền thống các dân tộc.

Giải trình thêm về việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, vấn đề này luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhất quán chỉ đạo thực hiện.

Việc bảo tồn, giữ gìn, tiếng nói chữ viết, điệu múa, dân ca… trước hết thuộc về trách nhiệm tự thân của mỗi dân tộc, sau đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng và xã hội. Thực tế đã có Bảo tàng dân tộc, Làng văn hóa dân tộc, Ngày hội văn hóa các dân tộc và nhiều làn điệu dân ca của dân tộc thiểu số đã được công nhận là di sản văn hóa.

Về tình trạng có sự giao thoa giữa các dân tộc được các đại biểu Quốc hội phản ánh, nêu quan điểm cá nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, việc giao thoa giữa các dân tộc để học tập các điểm tiến bộ là việc làm tốt. Việc bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số phải nằm trong sự đa dạng, thống nhất trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Đây sẽ là trụ cột chính trong suốt quá trình thực hiện. Bộ trưởng mong muốn bà con dân tộc thiểu số đoàn kết, đồng lòng, chung sức phát huy sự đa dạng văn hóa, bản sắc tốt đẹp của dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cùng xây dựng xã hội ngày càng phát triển và tốt đẹp.

Thẳng thắn, trách nhiệm

Gút lại toàn bộ phần chất vấn đối với nhóm vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề.

Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã nỗ lực quán xuyến, điều hành, nắm tình hình công việc của bộ, ngành và thực trạng vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ trưởng đã chủ động, nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, yếu kém thuộc lĩnh vực phụ trách của mình trong thời gian gần đây cũng như những tồn tại chung của ngành.

Khẳng định văn hóa, thể thao, du lịch là lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội, liên quan đến đời sống tinh thần của con người và xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian qua, lĩnh vực này đã có chuyển biến tích cực, những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đã được đề cao và phát huy.

Bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như công tác quản lý cấp phép hoạt động văn hóa nghệ thuật còn có những sai sót, gây dư luận không tốt, việc quản lý lễ hội còn tình trạng buông lỏng, dẫn đến bị lợi dụng để trục lợi, phản cảm, lãng phí nguồn lực xã hội…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để khắc phục, trong đó tập trung rà soát sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn. Nâng cao năng lực chuyên môn, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật…

Đối với quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở cân nhắc nhiều mặt, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sớm có giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy hoạch phát triển chung của cả nước, để cử tri, nhân dân Đà Nẵng và cả nước yên tâm.

Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là thành viên Chính phủ thứ 3 "đăng đàn" trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Chu Thanh Vân - Phan Phương (TTXVN)
Thông cáo số 17 kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV
Thông cáo số 17 kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Ngày 13/6/2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN