Trạm thu phí tuyến đường Hà Nội – Bắc Giang. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Từ năm 2011 đến 2016, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán 27 dự án giao thông BOT.
Báo cáo về kết quả kiểm toán các dự án giao thông BOT do cơ quan Kiểm toán thực hiện trong thời gian qua đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong cơ chế, chính sách, các tồn tại trong quản lý dự án, mức thu phí còn cao, chưa minh bạch trong kiểm soát số liệu đầu vào và doanh thu thu phí...
Tính minh bạch trong các dự án giao thông BOT là vấn đề nhiều đại biểu đề nghị làm rõ qua quá trình giám sát; việc lập, thẩm định dự án, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án… còn bất cập, gây bức xúc trong dư luận.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị phải công bằng, minh bạch thông tin, giá thành cấu thành thế nào, lợi nhuận trên vốn đầu tư là bao nhiêu, thời gian như thế nào. Vấn đề còn lại chúng tôi cũng quan ngại là BOT một thời gian, sau khi thu phí trả lại cho xã hội, lúc đầu trong quá trình vận hành còn tốt nhưng khi trả cho xã hội thì sợ không còn tốt nữa. Chất lượng là rất quan trọng, những công trình giao thông phải hàng trăm năm, thu phí 15-20 năm thôi còn lại 70-80 năm còn lại như thế nào?. Tiêu chuẩn chất lượng của BOT cũng là vấn đề chúng ta cần quan tâm - đại biểu nêu.
Ông Nguyễn Ngọc Long (Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Việt Nam) cho rằng quy định hiện nay về vai trò của cấp thẩm quyền quyết định đầu tư chưa rõ ràng, làm cho vai trò quản lý nhà nước đối với dự án BOT bị giảm sút. Tình trạng đội giá và thi công không đảm bảo chất lượng cũng nảy sinh từ đây mà ra.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách cụ thể trong đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT.
Theo đó, đề nghị xem xét, có quy định về việc thường xuyên công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án BOT khi đàm phán và ký kết hợp đồng BOT.