Làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý an toàn thực phẩm

Theo các đại biểu Quốc hội, cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý an toàn thực phẩm. Không để tình trạng quản lý chồng chéo nhưng tới khi có sự việc xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm.

Nhiều đầu mối quản lý nhưng hiệu quả không cao

Chiều 5/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Trong buổi sáng, các đại biểu quốc hội phát biểu nhiều về thực trạngất an toàn thực phẩm xảy ra tràn lan, khiến chỉ có 10% người dân được hỏi tin thực phẩm trên thị trường là an toàn. Nhiều gia đình đã tự trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà... vì không tin vào thực phẩm bán ngoài chợ.   

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội muốn làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành trong việc quản lý an toàn thực phẩm. Các đại biểu cũng cho rằng, nên thông nhất việc quản lý an toàn thực phẩm về một đơn vị quản lý. Không để quản lý chồng chéo nhưng tới khi có sự việc xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu, một cơ sở sản xuất kinh doanh nên chịu sự quản lý của một đơn vị nhà nước, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo. Ví dụ một chiếc bánh trung thu, nhân bánh bằng tinh bột do Bộ Công Thương quản lý. Nhân bánh, thịt , trứng là do ngành nông nghiệp kiểm soát. Còn chất phụ gia lại do ngành y tế quản lý.

Ngược lại, đại biểu So cho biết, có những loại thực phẩm lại không có đơn vị nào quản lý, như việc thương lái thu mua ồ ạt nông sản, gây thiệt hai kinh tế, gây hoang mang dư luận nhưng chưa có đơn vị nào chịu trách nhiệm. Do vậy, cần đơn giản hóa văn bản pháp luật theo hướng tinh giản, tránh trường hợp quá nhiều luật trở nên rối. Nội dung chồng chéo, gây khó khăn cho chủ thể quản lý và đối tượng quản lý.   

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng cho rằng, việc quản lý về thực phẩm hiện nay có sự chồng chéo. Ngoài ra, cần tăng cường năng lực chuyên trách, thanh tra kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, văn bản vi phạm pháp luật của Việt Nam khá động bộ, nhưng vấn đề là thực thi, kiểm tra chưa tốt khiến số ca ngộ độc thực phẩm vẫn tăng. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng, một số doanh nghiệp và người sản xuất còn coi thường sức khỏe người dân, chưa nghiêm trong thực hiện luật an toàn thực phẩm. Ví dụ, thịt bị hủy vẫn dùng để sản xuất ruốc, chất phụ gia, chất cấm tạo nạc được sử dụng… vì lợi nhuận mà quên đi sức khỏe của người tiêu dùng.  Nước ngọt pha bằng nước lã, phẩm mầu. Thuốc trừ sâu, hóa chất… sử dụng nhiều là do việc thực thi chưa tốt, xử lý còn nhẹ, mức phạt có 200.000 đồng/vụ, quá thấp và chưa răn đe. 

"Chúng ta thiếu nhân lực quản lý về an toàn thực phẩm một phần do không tăng biên chế nên không giải quyết được vấn đề này. Tài chính cũng cắt giảm một nửa. Ngân sách địa phương lại rất hạn chế. Cả nước chỉ 350 người ở cấp Trung ương, 2.500 người địa phương kiểm tra an toàn thực phẩm mà còn kiêm nhiệm... do vậy, phải tận dụng các đơn vị bán chuyên trách của xã để hoạt động” Bộ trưởng Kim Tiến nói.

Trong thời gian, Ban điều hành liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương đã định kỳ họp, các bộ, các vụ, chính quyền đã vào cuộc… có mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành cấp xã, cấp huyện. Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Để tăng mức xử phạt về an toàn thực phẩm, theo Bộ trưởng Kim Tiến, Bộ Y tế sẽ kiến nghị sửa Nghị định để tăng mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm, vì mức xử phạt hiện còn nhẹ, chưa nghiêm minh. Đồng thời, sửa Luật An toàn thực phẩm và Luật Hình sự để xử phạt mang tính răn đe hơn. Ví dụ thời gian qua có nhiều ca ngộ độc rượu nhưng chưa xử lý được. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ trình luật phòng Chống tác hại của rượu bia.

Coi sử dụng chất cấm, độc hại là hành vi tội ác

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, các đại biểu quốc hội tiếp tục nêu ý kiến về việc xử lý các vụ việc về mất an toàn thực phẩm còn quá ít, chỉ chiếm 20% số vụ được phát hiện ra.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu vấn đề, vì sao công tác thanh tra, kiểm tra thụ động. Không phát hiện ra thực phẩm tốt hay không tốt và việc xử lý chỉ 20% số vụ phát hiện được.

Còn đại biểu Ngộ Duy Hiểu (Hà Nội ) cho rằng, cần khẳng định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương và coi an toàn thực phẩm là một bộ phận của an ninh quốc gia.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng, kiểm soát phụ gia, chất cấm... chưa tốt, được buôn bán tràn lan. Danh mục kháng sinh cũng chưa thông nhất giưa hai Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
Trả lời ý kiến của các đại biểu về việc thống nhất một đơn vị quản lý an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, không mô hình nào giống nước nào, không có mô hình thành công cho tất cả các nước. Như ở Việt Nam có hai dạng, một sản xuất lớn và hai là các hộ sản xuất nhỏ lẻ (9 triệu hộ). Ngoài ra, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và nước thu hút du lịch tăng trưởng nhanh. Do vậy, các nhóm hàng quản lý cũng đa dạng nên việc bộ nông nghiệp quản lý về thực phẩm chức năng là rất khó. Như ở các nước cũng chia công việc quản lý cho các đơn vị quản lý.

Về việc nhiều đại biểu nêu ý kiến “người tiêu không thể thông thái” vì rất khó phân biệt thực phẩm sạch và không sạch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, phải  thiết lập hệ thống đo, kiểm nghiệm dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn để phân biệt thực phẩm an toàn và không an toàn.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, công tác thanh tra, kiểm tra phải nghiêm trước pháp luật. Vừa qua, đã thí điểm tổ chức thanh tra liên ngành ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chính phủ đã bàn và mở rộng việc thanh tra này, mở rộng ra các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Cần Thơ... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động, hình thành thói quen tuyên truyền dựa trên bằng chứng.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 31 đại biểu phát biểu, 15 đại biểu tranh luận, còn 29 đại biểu đã đăng ký nhưng phát biểu. Đa số ý kiến cho rằng, hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm có nhiều tiến bộ, quản lý có chuyển biến tích cực, bước đầu thực hiện sản xuất theo chuỗi, nông sản đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính...

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại về quản lý an toàn thực phẩm, văn bản còn chậm, chưa rõ ràng và chồng chéo, chế tài nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ngộ độc thực phẩm vẫn còn, nhiều vụ ngộ độc tập thể gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu do quản lý chưa tốt, đặc biệt ở các địa phương. Do vậy, phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương. Đã đến lúc coi việc sử dụng chất cấm độc hại là hành vi tội ác, cần thay đổi Luật Hình sự để xử lý thật nghiêm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Chúng tôi đã đi cùng đoàn giám sát và rút kinh nghiệm ngay. Ví dụ, quản lý vật tư đầu vào, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thu ý … từ 4.000 loại thuốc bảo vệ thực vật, đã loại được 600 sản phẩm trong 8 tháng qua, đặc biệt các nhóm thuốc diệt cỏ. Củng cố lại, thông tin để hạn chế người dân sử dụng các loại thuốc độc hại. Thứ hai là quản lý phân bón, mỗi năm nước ta tiêu thụ 8-10 triệu tấn phân bón vô cơ. Sắp tới, khi Bộ NN&PTNT quản lý thông nhất phân bón, chúng tôi sẽ trình Chính phủ về việc xử phạt nghiêm minh vi phạm trong phân bón. Đến quý III/2017, khi Bộ NN& PTNT quản lý sẽ có đủ chế tài xử lý. Đồng thời, có chính sách giúp người nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận ra các bất cập đã được Quốc hội nêu ra và sẽ hoàn thiện các cơ chế kiểm soát, tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm soát an toàn thực phẩm.

 

H.V/Báo Tin Tức
Nhiều cử tri đề nghị tăng cường xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm
Nhiều cử tri đề nghị tăng cường xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm

Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ngày 5/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN