Tham dự Hội thảo có trên 200 đại biểu là lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng gia tộc Nhà yêu nước Phan Châu Trinh.
Tại Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 50 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Các bài tham luận đã nêu bật tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh như: Bối cảnh lịch sử tác động đến việc hình thành tư tưởng của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh; tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh; phát huy giá trị tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh trong giai đoạn hiện nay; học thuyết canh tân của Phan Châu Trinh - Một bước ngoặt dân chủ trong lịch sử tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX; tư tưởng dân chủ, dân quyền của Phan Châu Trinh đến quan điểm của Đảng và Nhà nước về quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết ở Việt Nam hiện nay...
Ngoài các tham luận, Ban Tổ chức đã nhận được ý kiến đóng góp, đưa ra những nhận định, nguồn tài liệu, tư liệu mới và các góc nhìn, cách tiếp cận mới để nhận diện và tiếp tục làm sáng tỏ thêm về “Tư tưởng canh tân của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh”, nhất là việc vận dụng tư tưởng canh tân của bộ ba “Tam kiệt Quảng Nam” (Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng), trong đó Nhà yêu nước Phan Châu Trinh đóng vai trò khởi xướng vào công cuộc đổi mới, xây dựng ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, tỉnh Quảng Nam giàu mạnh...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Văn Minh, giảng viên Học viện Chính trị khu vực III cho rằng, với Phan Châu Trinh, muốn cứu nguy cho dân tộc phải đề xướng quốc dân tự lực tự cường, dựa vào nội lực của chính mình. Muốn khai dân trí, chấn dân khí phải đổi mới giáo dục, bởi chỉ có giáo dục mới thay đổi được thân phận cho mỗi người và thay đổi vị thế quốc gia… Tuy tư tưởng Phan Châu Trinh không thể triển khai thực hiện thành công khi dân tộc ta còn nằm trong chế độ thuộc địa của thực dân Pháp như ông mong muốn nhưng chủ thuyết “Xướng minh dân quyền, đả phá chuyên chế”, chủ trương thức tỉnh, chấn hưng dân tộc về dân trí, dân khí, dân sinh bằng tự lực khai hóa của Phan Châu Trinh là mới mẻ. Tuy nhiên đến những năm đầu thế kỷ XX đã có tác động mạnh mẽ đối với quốc dân bấy giờ. Đó là đã thức tỉnh dân tộc, làm một cuộc cách mạng đổi mới tư duy; cổ động ý chí tự cường, làm dấy lên phong trào Duy Tân sôi động khắp cả nước…
Những quan điểm của Phan Châu Trinh về khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, phát huy toàn diện sức mạnh của dân tộc; xây dựng con người Việt Nam có trí tuệ, bản lĩnh, có quyết tâm và tín tâm xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xác định vị thế quốc gia, dân tộc đặt trong xu thế phát triển chung của thời đại để có khát vọng phát triển đất nước theo cùng thời đại, tiến bộ thời đại vẫn còn nguyên giá trị…
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh, trong lịch sử hình thành và phát triển, Quảng Nam được biết đến là vùng đất mở, nơi giao lưu, hội tụ của nhiều nền văn hóa lớn cũng là vùng đất từng chịu biết bao thử thách khắc nghiệt của tự nhiên và chiến tranh… để từ đó đã sản sinh ra các nhà duy tân với tư duy sáng tạo, đổi mới.
Trong số đó, tiêu biểu là nhà yêu nước Phan Châu Trinh, người khởi xướng, vận động và lãnh đạo phong trào Duy Tân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc của nhân dân ta vào đầu thế kỷ XX.
Trên hành trình bôn ba trong nước, Phan Châu Trinh không ngừng truyền bá tư tưởng dân chủ, dân quyền với mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ. Với ảnh hưởng ấy, Phong trào Duy Tân đã thu hút đông đảo các nhân sỹ yêu nước. Phan Châu Trinh luôn hết mình cổ xúy và đi đầu trong các cuộc vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào cắt tóc ngắn, dùng hàng nội, mặc đồ âu, học chữ quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan... Nhờ đó, phong trào đã trở thành hành động phát triển mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân.
Với tư tưởng tự tôn dân tộc, Phan Châu Trinh vận động "Dĩ thương hợp quần", thành lập nhiều thương hội để tập hợp những người yêu nước, lo cho dân giàu, nước mạnh; trong đó, Quảng Nam là nơi đầu tiên thực nghiệm chủ trương này với Hiệp thương Công ty ở Hội An, Thương học Công ty ở Tiên Phước, nhiều đồn điền khai khẩn ở Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn... được thành lập. Về dân trí, các trường học Duy Tân được tổ chức, trong đó tập trung nhiều nhất tại Quảng Nam như ở Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm, Đại Lộc... Với sự thành công của các mô hình cải cách tiến bộ này, nhân sỹ yêu nước ở các tỉnh, thành phố đã học tập, tiếp thu và nhân rộng ra cả nước.
Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, ông đã cống hiến trọn đời mình cho nhân dân, cho dân tộc, từ bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động kiếm sống nơi đất khách quê người và lúc trở về cõi vĩnh hằng trong lòng vẫn mong cho dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Với lòng yêu nước, thương dân ấy, nhân dân Việt Nam đã ghi tạc hình ảnh nhà yêu nước đi tiên phong trong phong trào canh tân, dân sinh, dân chủ.
Ghi nhận những đóng góp, cống hiến to lớn của chí sỹ Phan Châu Trinh, trong cả nước, nhiều tên trường học, nhiều tuyến đường vinh dự mang tên Phan Châu Trinh. Ở Quảng Nam, thành phố Tam Kỳ và huyện Phú Ninh quê hương cụ Phan cũng đã thành lập Giải thưởng Phan Châu Trinh.
Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ dâng hương và thực hiện nghi thức khởi công dự án tu bổ, nâng cấp, mở rộng Di tích lịch sử quốc gia Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh tại huyện Phú Ninh. Cũng trong dịp này, tại huyện Phú Ninh, quê hương của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch, trưng bày triển lãm hình ảnh, hiện vật, tài liệu, sách báo liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh; tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp cụ Phan Châu Trinh...