Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII sẽ diễn ra từ ngày 25 - 27/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dành cho báo giới cuộc trao đổi về các thông tin liên quan. Báo Tin Tức trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi này.
* Xin Chủ tịch đánh giá những kết quả đạt được qua Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp và công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII?
Hướng tới Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) lần thứ VIII, theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, từ cuối năm 2013, các cơ sở đã tiến hành chuẩn bị và cuối quý IV/2013 đến hết tháng 7/2014 đã hoàn thành đại hội tại 63 tỉnh, thành, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh. Có thể nói đợt tổ chức Đại hội này thể hiện tinh thần đổi mới, tổng kết kết quả nhiệm kỳ 5 năm, hướng tới những yêu cầu mà Hiến pháp 2013 đã xác định cho MTTQ Việt Nam cũng như tinh thần mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Khi tiến hành đại hội ở cấp xã, huyện, tỉnh đã có thảo luận rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về nội dung Mặt trận cấp xã, huyện, tỉnh và định hướng cấp Trung ương. Đây là hoạt động mang tính chất chính trị - xã hội rộng rãi, phát huy được sáng kiến của các đoàn thể, tầng lớp nhân dân.
Đại hội các cấp đã đạt được ba yêu cầu: Thứ nhất, bảo đảm được tiến độ đến tháng 7 hoàn thành ở cả ba cấp của 63 tỉnh thành; thứ hai, nội dung thảo luận sâu sắc, tổng kết và có đổi mới; thứ ba, thành phần lãnh đạo Mặt trận các cấp so với nhiệm kỳ trước đều tăng thêm, về tuổi bình quân trẻ hơn nhiệm kỳ trước. Ở cấp xã, 90% Chủ tịch MTTQ tham gia cấp ủy, còn ở cấp huyện, tỉnh là 100%. Trong đó, tham gia Thường vụ ở cấp huyện là 58%, cấp tỉnh là trên 60%. Một nội dung nữa là tỉ lệ người dân không phải đảng viên tham gia MTTQ các cấp cũng tăng hơn trước… Có thể nói, Đại hội đại biểu các cấp đã tạo tiền đề rất quan trọng để hướng tới chuẩn bị Đại hội cấp Trung ương.
Khi MTTQ cấp tỉnh tiến hành Đại hội, song song với đó, ở Trung ương, chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ các khóa; ý kiến của các đồng chí lão thành cách mạng; ý kiến của các chuyên gia về chương trình công tác Mặt trận nhiệm kỳ mới cũng như việc sửa đổi Điều lệ MTTQ. Dự thảo Báo cáo chính trị đã được đăng trên báo Nhân dân, báo Đại đoàn kết và website của Mặt trận làm cơ sở thu hút ý kiến của nhân dân.
Sau ngày 5/9, chúng tôi đã sơ kết ý kiến và hoàn chỉnh văn bản cuối cùng. Cùng với đó, công tác truyền thông đã được đẩy mạnh để tạo sự quan tâm và có sự tham gia tích cực của các tổ chức thành viên trong xây dựng báo cáo chính trị, sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam.
* Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ lần này diễn ra giữa lúc đất nước chuẩn bị tổng kết 30 năm đổi mới, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XII của Đảng. Chương trình của Đại hội MTTQ sẽ như thế nào để có thể lắng nghe được ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, thưa Chủ tịch?
Tại các Đại hội các cấp này, chúng tôi đã nêu yêu cầu làm thế nào lấy được ý kiến của các tổ chức thành viên, các cá nhân tiêu biểu, góp ý cho chương trình công tác của Mặt trận. Có một cơ chế đã hình thành từ đầu năm nay là cứ ba tháng một lần, MTTQ cấp tỉnh và Trung ương phải hoàn thành một báo cáo về tình hình nhân dân, trong đó nêu ý kiến của nhân dân. Chúng tôi đã tập hợp báo cáo cho Chính phủ cũng như Quốc hội. Gần đến dịp Đại hội, trong tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức 5 buổi lấy ý kiến của các chuyên gia. Lãnh đạo Mặt trận, trong đó có bản thân tôi đi gặp riêng từng hội, từng giới để nghe góp ý. Chúng tôi nghĩ rằng, yêu cầu Mặt trận lần này lắng nghe ý kiến nhân dân là yêu cầu xuyên suốt. Ở đâu nhân dân muốn nói, đóng góp, cảm thấy chưa được nghe kịp thời, chưa được nghe đủ ở chỗ khác thì Mặt trận phải là địa chỉ cuối cùng và họ có quyền đặt ra yêu cầu đó.
* Thưa Chủ tịch, những chủ trương, định hướng lớn được thể hiện trong các văn kiện Đại hội như thế nào, đặc biệt là việc sửa đổi Điều lệ MTTQ để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới?
Bước vào chuẩn bị Đại hội, có hai vấn đề được thảo luận, đó là chủ đề và tiêu đề của Đại hội. Chủ đề của Đại hội lần này là “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển”. Nói đến đoàn kết là nói đến chức năng của Mặt trận, tập hợp đoàn kết nhân dân trong nước, ngoài nước, phát huy sức mạnh dân tộc để đóng góp cho sự phát triển, tạo sự đồng thuận xã hội. Nói đến dân chủ là ở cả hai phía, trong hệ thống Mặt trận cũng phát huy dân chủ, phát huy được sáng kiến của nhân dân từ cơ sở để có chương trình hoạt động hợp lý, đồng thời hoạt động của Mặt trận góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ trong xã hội. Về đổi mới, phải đổi mới công tác Mặt trận, góp phần vào đổi mới của đất nước. Về phát triển, Mặt trận phải phát triển cùng góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Tiêu đề lần này là “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững hòa bình, chủ quyền quốc gia, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc”. Trong chủ đề này, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc là truyền thống và sức mạnh của chúng ta, nhưng có nội dung lớn thứ 2 là giữ vững hòa bình chủ quyền quốc gia, đó là những đòi hỏi đang đặt ra hiện nay và trong thời gian tới. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, nhưng chúng tôi thêm cụm từ “hạnh phúc”. “Hạnh phúc” này chính là thước đo sức sống của Mặt trận đối với người dân ở cơ sở. Gia đình hạnh phúc, khu dân cư, thôn bản hạnh phúc, không chờ đến thật giàu mới hạnh phúc. Phải phấn đấu hạnh phúc hơn ngay từ thời điểm bây giờ.
Trên cơ sở đó, Mặt trận xác định 5 chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới, vừa phản ánh chức năng nhiệm vụ, vừa phản ánh đòi hỏi cuộc sống hiện nay. Thứ nhất đó là nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Lâu nay công tác tuyên truyền chúng ta vẫn làm nhưng lần này đòi hỏi nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tập hợp các tầng lớp nhân dân, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ hai là phát huy tinh thần sáng tạo, sự tự quản của nhân dân để thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Ở đây nhấn mạnh đến sự sáng tạo, tự quản của nhân dân, nhất là ở cơ sở.
Những phong trào lâu nay vẫn làm nhưng làm rõ mô hình trong từng lĩnh vực, thể hiện sự sáng tạo, tự quản của nhân dân. Thứ ba là phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân, giám sát phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Đây là nội dung vừa truyền thống, đồng thời mang tính thời sự cao. Vì Mặt trận luôn gắn bó với dân, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nhưng về thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng vững mạnh là nội dung mới đã được ghi vào Hiến pháp 2013 và chúng tôi bổ sung nội dung này một cách đậm hơn, phù hợp hơn.
Thứ tư, đó là mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và tăng cường hữu nghị hợp tác quốc tế. Đây cũng là công tác truyền thống nhưng lần này mở rộng, tăng cường công tác hữu nghị nhân dân với các nước láng giềng, các nước ASEAN và bạn bè quốc tế. Thứ năm là hoàn thiện cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của MTTQ Việt Nam. Bên cạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp ngày càng hoàn thiện hơn với cơ quan của chính quyền, các đoàn thể khác, thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng thì việc nâng cao chất lượng cán bộ công tác Mặt trận, nâng cao điều kiện làm việc công tác mặt trận là rất quan trọng. Có thể nói, 5 chương trình này vừa kế tục những thành tựu thời gian qua, đồng thời phản ánh yêu cầu, mong muốn của nhân dân, các đoàn thể trong thời gian tới.
Về Điều lệ, lần này chúng tôi sửa không nhiều nhưng có ba vấn đề rất đáng quan tâm. Thứ nhất, trong phần mở đầu nói rõ hơn chức năng của Mặt trận, thể hiện tinh thần Hiến pháp 2013, đó là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh thông qua giám sát, phản biện. Thứ hai là về nhiệm vụ, ở các cấp đều có nhiệm vụ giám sát, phản biện, đây là nội dung mới. Thứ ba, là lần đầu tiên quy định rõ quyền và trách nhiệm của thành viên Mặt trận, bao gồm thành viên tổ chức và thành viên cá nhân. Như vậy, với những bổ sung một số điều theo ba hướng này làm cho “tầm” của Điều lệ ngang bằng với sự phát triển của đất nước hiện nay và bổ sung những vấn đề hạn chế phát huy tốt nhất đóng góp của các thành viên trong Mặt trận.
* Có thể nói, xây dựng Đề án nhân sự là một trong những khâu đặc biệt quan trọng trong công tác chuẩn bị Đại hội. Chủ tịch có thể cho biết đề án nhân sự Ủy ban MTTQ Việt Nam khóa VIII có điểm gì mới so với các nhiệm kỳ trước?
Về nhân sự của Mặt trận ở khóa này, dự kiến có 5 ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tăng 30 người so với giai đoạn trước. Cụ thể, tập trung tăng những cá nhân tiêu biểu cho sự phát triển của đất nước, các cá nhân đại diện cho công nhân, nông dân, tăng những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học.
Lần đầu tiên có đại diện những người là tiểu thương ở hai miền đất nước và có cả đại diện của vùng biển đảo, Chủ tịch MTTQ huyện Trường Sa tham gia vào Ủy ban Trung ương nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giữ được tỷ lệ những người không phải đảng viên nhưng tham gia Mặt trận với tấm lòng, trách nhiệm cao là trên 50%.
* Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Chu Thanh Vân (ghi)