Đoàn đại biểu đã trang nghiêm dành phút mặc niệm, tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng - tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn, trong sáng, chân thành, giản dị của người chiến sỹ cộng sản. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là những bài học sâu sắc đối với các thế hệ cách mạng, đặc biệt là tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính; người đã hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; một nhân cách lớn, người cộng sản tiêu biểu của giai cấp công nhân Việt Nam.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người đã sáng lập ra tổ chức Công hội Đỏ, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 20. Từ cuộc sống người thợ, trong chốn lao tù, đến khi giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí; chia sẻ những khó khăn, gian nan với mọi người.
Sau lễ dâng hương, hoa, các đại biểu đã tham quan triển lãm cuộc đời sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng; giai cấp công nhân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; Bác Tôn với công nhân; Công nhân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp bước người thợ máy Tôn Đức Thắng.
Triển lãm đã khái quát về sự hình thành, phát triển và quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước của giai cấp công nhân Việt Nam. Trong đó, lực lượng công nhân Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang không ngừng nỗ lực học tập, nghiên cứu sáng tạo, nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện tri thức, khoa học kỹ thuật để xứng đáng với người thầy, người thợ cả Tôn Đức Thắng.
Cùng ngày, đông đảo các tầng lớp nhân dân, tổ chức, đơn vị, địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang đã đến dâng hương, hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).