Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được tiến hành vào ngày 23/5/2021.
Trước Ngày hội lớn của toàn dân, trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần đã trao đổi với phóng viên TTXVN về những vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử tại Lào Cai - vùng biên cương Tổ quốc với địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với cả nước, tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 vào ngày 23/5 tới. Vậy đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã được tỉnh tiến hành như thế nào, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thưa ông?
Đối với việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Lào Cai đã thực hiện rất nghiêm túc. Đến nay, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đảm bảo đúng tiến độ và thời gian quy định như: việc lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; việc niêm yết danh sách chính thức, tiểu sử tóm tắt những người ứng cử được hoàn thành theo quy định. Công tác đảm bảo về cơ sở vật chất, an ninh trật tự, công tác kiểm tra giám sát được chuẩn bị chu đáo để đảm bảo thành công cho cuộc bầu cử.
Tỉnh Lào Cai đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát do các đồng chí lãnh đạo là thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban Bầu cử tỉnh làm trưởng đoàn xuống trực tiếp kiểm tra các điểm bỏ phiếu tại các xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Cùng với đó, Lào Cai đã chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất; công tác bảo đảm an ninh, chính trị, an toàn xã hội, đặc biệt là xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, để thực hiện tốt công tác bầu cử theo đúng kế hoạch, bảo đảm được việc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, vừa bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Lào Cai đã linh hoạt tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri cho ứng viên theo hai hình thức song song. Đó là tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến để bảo đảm giãn cách.
Theo đó, chúng tôi tổ chức hội nghị trực tuyến cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, các ứng cử viên Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; riêng cấp xã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp nhưng đảm bảo các điều kiện phương án phòng, chống dịch COVID-19. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở điểm cầu chính, các ứng cử viên sẽ trình bày chương trình hành động, các cử tri dự tại các điểm cầu đều được theo dõi và phát biểu nguyện vọng mong muốn của mình. Ủy ban Bầu cử cấp huyện sẽ sử dụng hệ thống loa phát thanh của xã, phường, thị trấn để truyền thanh trực tiếp nội dung cuộc tiếp xúc cử tri đến các tầng lớp nhân dân.
Cách làm này vẫn sẽ bảo đảm đầy đủ thành phần tham dự hội nghị theo quy định; đồng thời, bảo đảm được hiệu quả công tác phòng, chống dịch, không tập trung đông người, rút ngắn được thời gian và số lần tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri. Ngoài ra, điều này cũng đảm bảo được sự công bằng giữa các ứng cử viên, đảm bảo các ứng cử viên được tiếp xúc với rộng rãi các tầng lớp của cử tri trong toàn tỉnh. Vừa qua, Đại biểu ứng cử Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 1 (gồm: thành phố Lào Cai và các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai) đã tiếp xúc với 2.800 cử tri trong cùng một thời điểm. Đại biểu ứng cử Quốc hội ở đơn vị bầu cử số hai (gồm: thị xã Sa Pa và các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn) đã tiếp xúc với 2.370 cử tri ở 72 điểm cầu, ở 4 huyện, thị xã, thành phố. Thực tế cho thấy, việc tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến rất phù hợp trong bối cảnh cả nước đang triển khai phòng, chống dịch.
Thưa ông, Lào Cai là địa phương có địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy công tác tuyên truyền cho cuộc bầu cử sẽ được chú trọng như thế nào? Có gì khác biệt so với địa phương khác trên cả nước?
Có thể nói, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng để làm nên thành công của cuộc bầu cử chính là công tác tuyên truyền, vận động. Lào Cai có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đạt gần 70 %. Do đó, để thực hiện tuyên truyền, vận động đến cử tri nói chung, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chúng tôi đã có chỉ đạo, thống nhất phương án tuyên truyền, vận động trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Theo đó, hệ thống phát thanh, truyền hình của tỉnh Lào Cai đã tăng cường thời lượng phát sóng các thông tin tuyên truyền, hướng dẫn về bầu cử bằng các tiếng dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy... Tất cả thông tin, tài liệu tuyên truyền, hỏi đáp về công tác bầu cử đã được dịch thành các tiếng dân tộc và được in thành băng, đĩa, usb để cung cấp cho các địa phương để làm công tác tuyên truyền.
Hiện nay, ở các địa phương, đơn vị bầu cử, các Ban Bầu cử, Tổ Bầu cử đã có nhiều sáng tạo trong công tác chỉ đạo tuyên truyền. Ngoài tuyên truyền trực quan như băng rôn, khẩu hiệu, các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền trực tiếp từ ban tuyên vận, tổ tuyên vận bằng tiếng dân tộc thiểu số. Đối với những khu vực dân cư phân tán xa, không tập trung, các địa phương đã phân công các thành viên trong tổ bầu cử đi xe máy gắn theo loa di động đi đến từng ngõ, đến từng nhà và mở loa phát thanh tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng khu vực và tuyên truyền cho người dân biết các thông tin, các chương trình hành động của các ứng cử viên, tiểu sử các ứng cử viên... sao cho đảm bảo truyền tải chi tiết mọi thông tin về bầu cử đến với các đối tượng nhân dân là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Mọi nỗ lực như vậy chính là để người dân nắm vững và chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho việc lựa chọn những người đủ đức, đủ tài là đồng bào các dân tộc, là con em của các địa phương của Lào Cai tham gia vào ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Bên cạnh đó, từng khu dân cư đã thành lập các nhóm Zalo, Facebook... để thông báo và thường xuyên cập nhật các thông tin đến các gia đình, người dân, sao cho ai cũng nắm được các nội dung liên quan đến ứng cử viên và liên quan công tác chuẩn bị công tác bầu cử như là phát thẻ cử tri, phát phiếu bầu...
Có thể nói, vấn đề mà cử tri quan tâm nhất trong tất cả các cuộc bầu cử là việc lựa chọn giới thiệu những ứng cử viên có đức, có tài để bổ phiếu bầu. Xin đồng chí cho biết, chất lượng của các ứng cử viên và cơ cấu thành phần mà Hội nghị hiệp thương các cấp đã lựa chọn lần này?
Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Hướng dẫn 36-HD/BTCTW năm 2021 về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Ban Tổ chức Trung ương ban hành; kế hoạch chỉ đạo về công tác bầu cử của Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai; các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Bầu cử Quốc gia... đều nhấn mạnh rất rõ yêu cầu về chất lượng của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo tinh thần: không vì cơ cấu mà xem nhẹ chất lượng của đại biểu.
Để xây dựng cơ quan nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân, đòi hỏi yêu cầu chất lượng của đại biểu rất cao. Do đó, chúng tôi đã xác định phải lựa chọn được những ứng cử viên đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu nhưng thành phần cũng phải hết sức đa dạng, phong phú theo đúng hướng dẫn của Ủy ban Bầu cử và Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Thông qua các hội nghị hiệp thương vừa qua, có thể thấy rằng, thành phần dân tộc tham gia ứng cử đã được mở rộng hơn, chất lượng nâng cao hơn. Điển hình như, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại Lào Cai đều có trình độ đại học và cơ bản là trên đại học (tiến sỹ, thạc sỹ). Tương tự, chất lượng của các ứng viên đại biểu Hội đồng nhân dân ở tỉnh Lào Cai khóa XVI cũng rất cao, đều có trình độ đại học, thành phần dân tộc được mở rộng, cơ cấu tỷ lệ nữ đảm bảo đều chiếm 37%. Ngoài ra, các cơ cấu về tuổi trẻ, tỷ lệ ngoài Đảng, tỷ lệ tái cử, tỷ lệ thành phần dân tộc... đều được đảm bảo và thống nhất ở mức cao.
Chúng tôi đánh giá, những ứng viên được lựa chọn đều là người tiêu biểu, đáp ứng đủ tiêu chuẩn của người ứng cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, được cử tri tín nhiệm, thậm chí có nhiều mặt vượt trội hơn so với nhiệm kỳ trước. Đối với ứng viên đại biểu Quốc hội của tỉnh Lào Cai, cơ cấu đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Quốc gia và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mong rằng, cử tri Lào Cai thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong Ngày Bầu cử, sáng suốt lựa chọn ra những người đại diện đầy đủ phẩm chất, năng lực và hết lòng phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, tạo được tiếng nói có trọng lượng, góp phần vào thực hiện các chính sách của địa phương, hợp với lòng dân để địa phương phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!