Việc lập đoàn giám sát này là nhằm xem xét, đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, đoàn giám sát sẽ đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Phạm vi giám sát trên cả nước. Thời gian giám sát là từ ngày 1/1/2015 đến ngày 1/6/2019.
Đoàn giám sát thực hiện giám sát việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em; thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan; tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân của hạn chế, khó khăn, vướng mắc; trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan; các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới...
Đoàn giám sát thực hiện các hoạt động giám sát theo đúng quy định, với các hoạt động: tổ chức cuộc họp của Đoàn giám sát, cuộc làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại trung ương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức các Đoàn công tác để tiến hành giám sát tại địa phương, cơ sở về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát chuyên đề trình Quốc hội khóa XIV xem xét, giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 9...