Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Phải sớm "cắt lỗ" cho các dự án
Chính phủ đã thành lập tổ giải quyết, xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương, tuy nhiên các dự án này vẫn thua lỗ kéo dài.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Do đó, để giải quyết bài toán này cần phải có những bước đi cụ thể, thẩm tra, phương án khả thi. Bởi chúng ta phải quan tâm đến giải pháp có khả năng phục hồi hay không ? Nếu như bán thì bán với giá bao nhiêu ? Có ai mua hay không ?... Tất cả đều phải tính. Nhưng tôi cho rằng, nguyên tắc là phải giải quyết dứt điểm, phải sớm cắt lỗ cho các dự án này.
Điều quan trọng hơn là, thực tế vẫn còn có thể phát sinh thêm nhiều dự án thua lỗ nữa. Do đó, Chính phủ nên đẩy nhanh quá trình xử lý các dự án thua lỗ này, minh bạch và công khai hoá. Để khi có bán, thanh lý thì các nhà đầu tư cũng biết đến các dự án thua lỗ này. Nhưng trên nguyên tắc cắt lỗ và không nên đầu tư tiếp vào các dự án thua lỗ như vậy.
Thực tế, số dự án, doanh nghiệp thua lỗ lớn không chỉ dừng lại ở con số 12 mà còn nhiều hơn nữa. Bởi hiện chúng ta vẫn còn hàng nghìn doanh nghiệp Nhà nước và rất nhiều dự án tồn đọng lâu nay.
Bên cạnh đó, trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn, cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp ta phát hiện ra các vấn đề đó một cách minh bạch. Và khi đã phát hiện ra rồi thì phải nhìn thẳng vào sự thật để từ đó chấp nhận và cắt ngay các khoản lỗ đó.
Để hạn chế tình trạng tương tự xảy ra, tôi cho rằng cần phải giảm số lượng doanh nghiệp Nhà nước, giảm các dự án do các doanh nghiệp này đầu tư bằng xã hội hoá, như vậy sẽ giảm được tình trạng các doanh nghiệp thua lỗ kéo dài.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Đặt vào cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tôi cho rằng, để xảy sự việc trên thì rõ ràng, cơ chế quản lý của các tập đoàn, các doanh nghiệp Nhà nước là rất lỏng lẻo. Chính vì vậy, mới dẫn đến tình trạng làm sai, có thể có ý đồ cá nhân để trục lợi, nhưng cũng có những cách làm sai do vô thức do không am hiểu luật pháp, không hiểu được hậu quả.
Để ngăn chặn tình trạng này, có 2 giải pháp đặt ra. Thứ nhất, hiện Chính phủ đang thực hiện rất quyết liệt, tức là Nhà nước không đứng ra làm kinh tế nữa. Thực tế trên thế giới chỉ ra, Nhà nước làm kinh tế không phải là con đường hiệu quả nhất. Do đó, những lĩnh vực nào mà tư nhân làm được, tư nhân kinh doanh tốt hơn thì chúng ta chuyển giao. Còn quá trình thoái vốn nhà nước là để tránh tình trạng vừa làm kinh tế vừa kiểm soát.
Tuy nhiên, vẫn còn những khu vực, những doanh nghiệp, những lĩnh vực mà bản thân tư nhân không làm được và Nhà nước vẫn phải đứng ra đảm nhận. Tất nhiên những lĩnh vực này chỉ là hạn hẹp, không quá hấp dẫn, không có khả năng sinh ra lợi ích lớn (siêu lợi nhuận).
Do đó, cần phải đặt vào một cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn và nếu thực hiện tốt 2 giải pháp trên thì sẽ tránh được tình trạng để xảy ra các vụ án kinh tế lớn như thời gian qua. Trước hết, phải tìm ra lỗ hổng trong chính sách để có cơ chế xử lý. Mặt khác, liên quan đến việc kiểm tra, kiểm soát; thời gian qua chúng ta đã buông lỏng vấn đề này.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Nếu không xử lý được thì cho phá sảnHiện nay, Chính phủ đã có Nghị quyết về xử lý các dự án thua lỗ kéo dài thời gian qua và đã có 3-4 dự án quay trở lại hoạt động sản xuất, bước đầu có hiệu quả. Còn lại các doanh nghiệp khác, theo chương trình của Chính phủ từ nay đến năm 2018 phải xử lý dứt diểm. Đây là việc cần phải làm quyết liệt vì trong khi xử lý đã có vấn đề rồi, liên quan đến rất nhiều các lĩnh vực khác chứ không riêng gì lĩnh vực kinh tế. Tôi cho rằng, nếu Chính phủ làm quyết liệt thì mục tiêu đến năm 2018 sẽ xử lý xong.
Thực tế, khi một doanh nghiệp đang bị thua lỗ, lại không hoạt động sản xuất thì không có nguồn thu, trong khi đó vẫn phải trả lãi vay ngân hàng; đồng thời, nguồn lực của Nhà nước vẫn tồn đọng ở đó. Đây là một câu chuyện hết sức khó khăn trong xử lý.
Hiện Chính phủ đang có mấy phương án xử lý. Thứ nhất, nếu doanh nghiệp nào có thể phục hồi thì cho phục hồi, không thì cho cổ phần hoá, nếu không được nữa thì cho phá sản. Đây là mục tiêu và bước đi của Chính phủ là rất rõ ràng. Vấn đề là phải tổ chức thực hiện bài bàn và hiệu quả.
Năm 2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có chương trình giám sát về quản lý vốn và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất hay để đánh giá lại toàn bộ quá trình quản lý vốn tại doanh nghiệp và quá trình cổ phần hoá.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Đồng bộ các giải pháp
Để giải quyết tồn đọng của 12 dự án nhằm đảm bảo hiệu quả trong quản lý và nguồn lực của nhà nước thì phải làm một cách đồng bộ. Cùng đó, đánh giá lại toàn bộ một cách hệ thống những vấn đề tồn tại, vướng mắc, những nguyên nhân và hướng giải quyết.
Vì vậy, trong năm 2016 và 2017 Chính phủ đã tập trung chỉ đạo về mặt cơ chế thành lập những Ban chỉ đạo của Chính phủ để đánh giá tổng thể, toàn diện.Mặt khác, kết hợp với kiểm tra cụ thể trên các dự án để tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, bất cập và hướng giải quyết.