Tiết kiệm 399 triệu USD/năm
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra chuyên ngành hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp, là một trong những yếu tố chiếm tỷ trọng khá lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa mà hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể, làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới.
Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, trừ hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra, quản lý liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch, văn hóa; hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; hàng hóa thuộc Danh mục kiểm tra nhà nước về chất lượng sau khi hàng hóa đã thông quan. Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục kiểm tra nhà nước về chất lượng sau thông quan, doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng quy trình thủ tục kiểm tra chất lượng theo mô hình mới này, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Điểm nổi bật của Đề án là cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, bao gồm: tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; quyết định phương thức kiểm tra; thông báo kết quả kiểm tra; xây dựng cơ sở dữ liệu và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo việc điện tử hóa trình tự, thủ tục kiểm tra, công khai minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ thông tin với bộ, ngành. Đề án áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm để cắt giảm đối tượng phải kiểm tra trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng nhằm giảm tối đa lô hàng phải kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước…
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, bên cạnh đơn giản hóa quy trình và giảm thiểu thủ tục kiểm tra, Đề án còn giúp tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD/năm. Việc thống nhất đầu mối kiểm tra với việc thực hiện thủ tục hải quan góp phần giúp hội nhập tốt hơn, tăng uy tín của Chính phủ, cải thiện chỉ số cải cách hành chính, nâng vị trí xếp hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín của thế giới về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Chính phủ cũng tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí cho một bộ máy kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cồng kềnh, giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Hải quan là cơ quan duy nhất kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu
Ý kiến tại cuộc họp đồng tình với việc ban hành Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Tuy nhiên, còn một số ý kiến băn khoăn từ phía Bộ Công Thương về cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, việc áp dụng chung mô hình kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng kiểm tra chất lượng, vai trò của cơ quan hải quan khi vừa thực hiện công việc kiểm tra, vừa là cơ quan ra quyết định về sản phẩm hàng hóa đạt yêu cầu thông quan…
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long băn khoăn về lộ trình thực hiện khi Đề án đặt vấn đề chuyển một số nhân sự từ các bộ chuyên ngành về Tổng cục Hải quan, vì hiện nay ở các bộ, việc kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu và kiểm nghiệm các thực phẩm trong quá trình thanh tra hậu kiểm là cùng một cơ quan, khi chuyển đi sẽ thiếu lực lượng thanh tra hậu kiểm, sẽ không khả thi và nên cân nhắc. Nếu Hải quan muốn xây dựng thêm một đơn vị kiểm nghiệm thì cần chủ động, lấy từ bộ ngành khác sang sẽ khó. Đây cũng là ý kiến của các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, nguyên tắc chung là cơ quan hải quan là cơ quan đầu mối, cơ quan duy nhất kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, các bộ hướng tới kiểm tra hậu kiểm. Nhấn mạnh quan điểm cải cách về kiểm tra nhưng phải đảm bảo hiệu quả về công tác quản lý nhà nước, nhưng nếu chỉ nặng vấn đề lấy lý do hiệu quả công tác quản lý nhà nước mà lại thêm các thủ tục kiểm tra là không được, Bộ trưởng cho biết, định hướngcủa hải quan trong Đề án là phải cắt giảm, cải cách hơn so với Nghị định 15/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm).
“Những lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành hải quan không làm được thì bộ, ngành vẫn phải làm. Chúng ta mạnh dạn giao cho cơ quan chuyên ngành, nhưng vẫn phải đảm bảo công tác quản lý nhà nước”, Bộ trưởng nêu rõ.
Dẫn câu chuyện từ Singapore, cơ quan hải quan kiểm tra toàn bộ bằng phương pháp tự động hóa, không có kiểm tra chuyên ngành, các cơ quan chuyên ngành chỉ hậu kiểm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, thực hiện Đề án, mỗi năm tiết kiệm 399 triệu USD là con số rất lớn.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập. Đây cũng là giải pháp rất căn cơ để cải cách thủ tục hành chính, xây dựng năng lực cạnh tranh của quốc gia và môi trường kinh doanh của Việt Nam và tiết kiệm nhân lực nguồn lực.