Đề án được xây dựng trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 về việc giao Bộ Tài chính "xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại của khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm".
Mục tiêu của đề án nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đồng thời, đề án đưa ra mô hình cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức. Cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu, tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng…
Đề án gồm 7 nội dung cải cách bao gồm giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra (kiếm tra chặt, kiếm tra thông thường, kiếm tra giảm) để cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Bên cạnh đó, đề án cũng đưa ra nội dung thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; và ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai Mô hình mới.
Đề án đã xây dựng nội dung mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng được thực hiện theo 03 phương thức gồm phương thức kiểm tra chặt, phương thức kiểm tra thông thường, phương thức kiểm tra giảm. Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra (từ chặt sang thông thường, từ thông thường sang giảm) áp dụng đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu. Việc chuyển đổi phương thức kiểm tra được áp dụng trong thời hạn nhất định hoặc cho đến khi hàng hóa có quy chuẩn mới thay thế cho quy chuẩn kỹ thuật cũ.
Theo Mô hình mới, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao/chỉ định. Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm.
Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra chặt, cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ, thông báo tổ chức chứng nhận được chỉ định lấy mẫu, kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm, căn cứ kết quả để ra thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm và thông quan.
Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ an toàn thực phẩm, ra thông báo kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm và thông quan.
Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra giảm, cơ quan hải quan chỉ kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra giảm trong vòng 1 năm.
Lộ trình thực hiện đề án này sẽ được chia thành 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2023, giai đoạn 2 từ năm 2023 đến năm 2026.