Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh: Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp là chủ trương lớn của Đảng, được Bộ Chính trị quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã 3 lần sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện Nghị quyết. Cải cách tư pháp là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến các thể chế chính trị, quyền con người, quyền công dân và sự ổn định phát triển của đất nước.
Đồng chí Phan Đình Trạc cho biết: Ban Chỉ đạo tổng kết Đề án đã chỉ đạo, xây dựng dự thảo Đề án tổng kết gồm: Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết hoặc Kết luận của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn sau 2020. Quá trình xây dựng Đề án tổng kết cho thấy còn nhiều vấn đề đặt ra, cần phải tập trung nghiên cứu, thảo luận, làm rõ để hoàn thiện, đặc biệt, mục tiêu, quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Theo Tổ Biên tập đề án, Dự thảo Báo cáo đã tổng hợp kết quả lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt Nghị quyết, trong đó, nêu rõ: Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung của Nghị quyết đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai ở các ngành, cấp; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện; định kỳ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện và tiến hành sơ kết (3 năm, 5 năm), tổng kết (8 năm, 15 năm).
Dự thảo Báo cáo cũng đã nêu rõ kết quả thực hiện 8 nhiệm vụ cải cách tư pháp, khẳng định rõ, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể: Đã sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng phân định rõ hơn thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp; tăng quyền hạn, trách nhiệm và đề cao tính độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật của các chức danh tư pháp.
Bên cạnh đó, dự thảo Báo cáo đã nêu ra những hạn chế cơ bản, cũng như rút ra các bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh cải cách tư pháp cần phải tiến hành lâu dài, quá trình triển khai phải có quyết tâm chính trị cao, có sự chỉ đạo tập trung, nhất quán; phải bám sát mục tiêu, quan điểm, phương hướng và các nhiệm vụ cải cách tư pháp; đảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng; sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử, các tổ chức xã hội và nhân dân; thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh…
Tại hội nghị, các đại điểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào những nội dung trọng tâm gồm: Đánh giá kết quả nổi bật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết; những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết; về yêu cầu khách quan của cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay; mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới…
Kết thúc hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết 49 cho biết, sẽ nghiên cứu đầy đủ, tiếp thu tối đa những ý kiến phát biểu, tham luận của đại biểu để đưa vào Đề án tổng kết trình Bộ Chính trị trong thời gian tới.