Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, trình bày dự thảo tiêu chí và chỉ số đánh giá, công nhận mô hình "Công dân học tập" gồm 3 tiêu chí, 10 chỉ số đánh giá thông qua các kỹ năng mỗi người cần đạt được.
Trong đó, tiêu chí năng lực tự học, học tập suốt đời gồm 4 kỹ năng: đọc, cập nhật những thông tin và tri thức trên sách báo, tivi, máy tính, điện thoại di động...; xây dựng kế hoạch học tập theo các chương trình phục vụ yêu cầu công việc hoặc do nhà nước, cơ quan hay đoàn thể quy định; sắp xếp hợp lý các công việc để có thời gian tham gia các hoạt động tại nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện…, các hội thảo, hội nghị; kỹ năng động viên, tạo điều kiện cho người thân trong gia đình và cho đồng nghiệp học tập thường xuyên.
Tiêu chí năng lực sử dụng những công cụ tương tác gồm 4 kỹ năng: sử dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu công việc; sử dụng ngoại ngữ theo yêu cầu công việc, vị trí đảm nhận; kỹ năng tính toán để công việc đang làm luôn được sáng tạo, cải tiến, năng suất lao động ngày càng cao; tư duy biện chứng và tư duy phản biện trong công việc, trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… và hoạt động xã hội.
Tiêu chí năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội gồm 2 kỹ năng: tạo các mối quan hệ thân thiện với mọi người, điều hòa các quan hệ để tránh xung đột; hợp tác, chia sẻ trong lao động, hoạt động xã hội với đồng nghiệp, cộng đồng.
Tại hội thảo, Trưởng ban Ban Phong trào của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn cũng trình bày đề xuất áp dụng tiêu chí công dân học tập cho các nhóm đối tượng theo đặc thù công việc, điều kiện sống.
Theo ông Sơn, để áp dụng đại trà bộ tiêu chí này cho mọi đối tượng người dân là rất khó vì một số kỹ năng là quá cao so với khả năng của một số nhóm đối tượng nhất định. Do đó, cần lượng hóa đối với từng chỉ số (kỹ năng) để dễ triển khai, đồng thời xem xét áp dụng, phân loại tiêu chí cho các nhóm đối tượng khác nhau. Dự kiến, có 5 nhóm đối tượng: nhân lực chất lượng cao; công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; doanh nhân; công nhân; lao động phổ thông.
Tuy nhiên, đa số đại biểu cho rằng việc chia tiêu chí cho các nhóm đối tượng như vậy rất khó thực hiện. Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cho rằng trong một cơ quan đơn vị có rất nhiều đối tượng với trình độ khác nhau - đại học, cao đẳng, trung cấp, tiến sĩ, giáo sư... Do đó, nên có 3 - 4 bộ tiêu chí chia theo trình độ học vấn: bộ tiêu chí dành cho những người trình độ từ bậc tiểu học đến trung học cơ sở; bộ tiêu chí dành cho những người có trình độ trung học phổ thông, trung cấp nghề; bộ tiêu chí cho nhóm sau đại học.
Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Phan Đăng Hùng cho rằng nên chia thành 3 nhóm: nhận thức, hành động và kết quả về việc học. Theo đó, bộ tiêu chí sẽ đánh giá nhận thức của công dân về việc học; từ nhận thức đó biến thành hành động như thế nào và đánh giá kết quả thông qua việc người đó vận động, thuyết phục, truyền cảm hứng cho người khác tham gia học tập như thế nào.
Đa số đại biểu tham dự hội thảo đều không đồng tình việc chia nhóm đối tượng, thống nhất về việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, công nhận mô hình "Công dân học tập" theo một khung năng lực chung.