Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; đại diện các ban, ngành, các chức sắc tôn giáo và đông đảo Phật tử dự lễ.
Đây là một trong những hoạt động thực hiện chương trình phối hợp giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về tuyên truyền, giáo dục, vận động tăng ni, Phật tử tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2018 – 2020.
Năm 2018 là năm thứ 7 Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tham gia cùng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Đặc biệt, bên cạnh buổi lễ tại trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tất cả các chùa thuộc Giáo hội trên toàn quốc cũng tổ chức cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn vào dịp Lễ Vu lan - Rằm tháng Bảy để cùng tưởng nhớ và bày tỏ niềm xót thương với những người không may qua đời khi tham gia giao thông, cùng chia sẻ, xoa dịu phần nào nỗi đau đối với người thân yêu của họ.
Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông không chỉ mang ý nghĩa cầu nguyện cho những vong linh được siêu thoát, chia sẻ nỗi mất mát với gia đình nạn nhân, mà thông qua buổi lễ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam muốn gửi đến đồng bào, Phật tử và cộng đồng xã hội lời kêu gọi hãy trân trọng cuộc sống cho chính mình cũng như những người khác khi tham gia giao thông và cùng chung tay hướng đến mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, tai nạn giao thông không chỉ là sự mất mát, đau thương của mỗi gia đình mà là nỗi đau của toàn xã hội, để lại hệ luỵ cho con cháu, gia đình và dòng họ, cho toàn xã hội.
Tai nạn giao thông không thể đổ cho nghiệp chướng mà là do ý thức tham gia giao thông. Là người Phật tử, khi tham gia giao thông phải với ý thức, tinh thần chính niệm, đúng luật lệ giao thông, để gìn giữ tính mạng của mình cũng như đảm bảo an toàn cho người cùng tham gia giao thông.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, với thông điệp “Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại”, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những bài giảng đều khuyên bảo đệ tử thực hành nghiêm pháp luật về an giao thông.
Buổi lễ là dịp bày tỏ niềm xót thương với những vong linh xấu số, với gia đình có người thân mất vì tai nạn giao thông, thương tích khi tham gia giao thông, là thông điệp mạnh mẽ với cộng đồng, với Phật tử, hãy trân quý mạng sống của mình mà tham gia giao thông một cách văn minh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo tính mạng con người. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để thực hiện mục tiêu chung là tuyên truyền, vận động để đảm bảo thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.
Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chức sắc Phật giáo đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải trong việc tuyên truyền, vận động Phật tử chấp hành pháp luật giao thông với mong muốn xảy ra ít nhất tai nạn giao thông, giảm thiểu nỗi đau thương liên quan đến giao thông.
Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức xã hội và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm đáng kể, từ con số 13.500 người chết vào năm 2010 đã giảm xuống còn dưới 9.000 người vào năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, số người chết vì tai nạn giao thông là 4.700 người.
Tại buổi lễ, các đại biểu và Phật tử đã làm lễ dâng hương tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, cầu nguyện bình an và chia sẻ với nỗi mất mát của các gia đình có người thân tử vong do tai nạn giao thông.